Nhập viện vì thuốc nam truyền miệng

Đức Trân 17/07/2023 10:00

Hiện nay có nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc Đông y, thuốc gia truyền để tự chữa bệnh mà không tìm hiểu kỹ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân hỏng gan, suy thận vì tự uống thuốc chữa đau lưng.

Bệnh nhân là ông T.M. (68 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) vào viện trong tình trạng mệt, ăn kém dần, da vàng. Theo người nhà của bệnh nhân, cách đây khoảng 3-4 tháng, bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng, đau tăng dần nên đã mua thuốc nam để uống. Sau thời gian dài uống thuốc, bệnh không giảm, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, ăn kém dần, da vàng tăng lên.

Tại bệnh viện, kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, người bệnh lạm dụng thuốc nam bị suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 23 lần bình thường, chỉ số Bilirubin tăng gấp 17 lần bình thường. Ngoài ra, ông M. có dấu hiệu của suy thận, suy tim, có nguy cơ phải lọc máu.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị. Sau 18 ngày chăm sóc đặc biệt, các chỉ số về chức năng gan, thận đã trở về bình thường. Bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt và chưa phải lọc máu. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện.

BSCKII. Đỗ Đức Dũng - Phó Trưởng đơn vị Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là một trong số rất nhiều trường hợp người bệnh bị viêm gan, suy gan cấp, suy đa tạng do lạm dụng thuốc nam. “Thói quen của nhiều người là chưa hiểu rõ mối nguy hại của việc điều trị bệnh theo truyền miệng, các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc nên đã lạm dụng thuốc nam để điều trị bệnh thay vì đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Điều này là rất nguy hiểm” - ông Dũng cho biết.

Theo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), đơn vị này tiếp nhận 1 bệnh nhân bị ngộ độc do uống nước nấu từ cây. Cụ thể, bệnh nhân là anh Lim Văn X. (trú tại Quỳ Châu, Nghệ An). Theo kết quả khai thác tiền sử, bệnh nhân vốn bị đau xương khớp đã lâu, một tuần nay, bệnh nhân đã đun cây mú từn tươi uống để chữa bệnh.

Trước đó, cũng tại huyện Quỳ Châu, một vụ ngộ độc mú từn cũng xảy ra. Theo đó, sau khi đi làm về, 2 vợ chồng chị Vi Thị X. (trú tại bản Xăng Cọc, xã Châu Bính) đã lấy mú từn phơi khô đun với 2 lít nước và cả 2 người đều uống. Khoảng 10 giờ sau khi uống, xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…

2 bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc, điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân giảm. Tuy nhiên, chị X. vẫn trong tình trạng loạn thần, không kiểm soát được hành vi. Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã chuyển bệnh nhân này đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để tiếp tục điều trị.

Theo các chuyên gia, quan niệm dân gian cho rằng, cây mú từn là loại thảo dược, được sử dụng để điều trị một số chứng bệnh: Đau mỏi xương khớp, yếu sinh lý, tăng cường tiêu hóa, cầm máu… Tuy nhiên, thực tế không phải chất nào có trong loại cây này cũng có lợi cho sức khỏe. Trong rễ cây mú từn, các nhà khoa học cũng tìm thấy chất Salicylate. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên, có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe.

BS Nguyễn Văn Thủy - Trưởng khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho hay: Ngộ độc mú từn tương tự như ngộ độc rượu Ethanol, gây ra nhiều rối loạn tâm thần và thực thể. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, huyết áp tăng cao, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong… Tại bệnh viện, đã có những trường hợp ngộ độc mú từn rất nặng, buộc phải chuyển lên tuyến trên nhưng vẫn bị chết não.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo về các thầy lang, thần y trên mạng xã hội. Mọi người cần phải ý thức rõ, thuốc nam, Đông y hay tân dược đều không thể sử dụng tùy tiện. Việc tự ý dùng thuốc nam, Đông y dẫn đến phải nhập viện cấp cứu không phải là hiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập viện vì thuốc nam truyền miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO