Nhật Bản trong hôm 25/6 đã ra quyết định hủy một hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá hàng tỷ USD của Mỹ. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng chương trình này đã bị tạm dừng.
Thỏa thuận gây tranh cãi
Các tên lửa đánh chặn sử dụng cho hệ thống Aegis Ashore sẽ được thay thế ở 2 khu vực theo như chương trình gây tranh cãi và hao tổn chi phí mà Chính phủ Nhật Bản vừa ra quyết định hủy. Do chịu sức ép lớn từ người dân địa phương cùng với nhiều quan ngại về những rủi ro mà hệ thống phòng thủ tên lửa có thể mang lại, chương trình đã bị hủy.
“Hội đồng An ninh Quốc gia đã thảo luận về vấn đề này và đạt được kết luận rằng việc triển khai Aegis Ashore ở Akita và Yamaguchi sẽ bị hủy”, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono phát biểu trong một cuộc họp của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền - “Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc vì điều này xảy ra”.
Chính phủ Nhật Bản trước đây đảm bảo rằng các bộ phận của tên lửa đánh chặn sẽ không rơi xuống các khu dân cư, gần vị trí mà hệ thống được đặt. Nhưng trong tuần trước, ngay khi tuyên bố rằng việc triển khai hệ thống này đã bị tạm ngừng, ông Kono nói rằng việc duy trì lời đảm bảo đó sẽ rất hao tổn chi phí và thời gian để nâng cấp phần cứng thiết bị.
Hệ thống Aegis Ashore, với bản kế hoạch mua sắm được phê chuẩn vào năm 2017, dự tính có tổng chi phí lên tới 4,2 tỷ USD. Phía Nhật Bản sẽ chi trả khoản này trong vòng 3 thập kỷ. Tuy nhiên, đã có nhiều tuyên bố trái ngược liên quan tới con số ước tính chi phí này, từ đó gây ra tranh cãi.
Thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa này từ lâu được xem như một phần nỗ lực của chính quyền Tokyo nhằm tăng khả năng phòng thủ sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa, và cũng là một cách để củng cố quan hệ với Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên thúc đẩy các nước đồng minh mua thêm các sản phẩm của Mỹ, trong đó bao gồm cả trang thiết bị quân sự. Các lực lượng vũ trang Nhật Bản vốn bị hạn chế chỉ được phép phòng thủ, và nước này dựa dẫm chủ yếu vào Mỹ theo thỏa thuận đồng minh song phương.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tuần trước nói rằng Chính phủ của ông cam kết sẽ đưa ra hệ thống thay thế cho Aegis Ashore. “Không nên để lại lỗ hổng trong hàng phòng thủ của đất nước chúng ta. Chúng tôi muốn tổ chức các cuộc thảo luận để vạch ra những biện pháp thay thế cần thiết” - ông Abe nói.
Phương án thay thế
Bộ trưởng Quốc phòng Kono cho hay Nhật Bản sẽ cần phải làm rõ đòn tấn công phủ đầu là như thế nào trước khi cân nhắc xem các biện pháp thay thế nào là phù hợp.
Hiện nay Nhật Bản đang có một số lựa chọn để thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, trong đó phải kể tới một số máy bay cảnh báo sớm trên không hoặc triển khai các máy bay không người lái (drone) có khả năng theo dõi các khu vực có đặt tên lửa của đối phương và tấn công các khu vực này nếu nhận thấy nó sắp có hoạt động phóng.
Nếu như không thể tìm được một phương án thay thế cho Aegis Ashore, Nhật Bản sẽ phải dựa dẫm nhiều hơn vào các con tàu được trang bị radar Aegis đang tuần tra trên vùng biển Nhật Bản và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot - cũng mua của Mỹ - để phòng thủ.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc duy trì hoạt động tuần tra vĩnh viễn của 2 con tàu Aegis cũng cần có đội tàu gồm vài chiếc cùng hàng trăm thủy thủ.
Quyết định bất ngờ mà ông Kono đưa ra hôm 25/6 nhằm hủy hệ thống Aegis Ashore xuất hiện sau làn sóng gây tranh cãi về hệ thống này, do vấn đề chi phí và mảnh đạn văng xuống dưới các khu dân cư. Nhưng từ trước khi Nhật Bản lắp đặt hệ thống này vào năm 2018, các nhà lập pháp đảng cầm quyền đã nhất trí rằng, việc tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương là không vi phạm Hiến pháp hòa bình của nước này bởi đó là hành động phòng thủ.
Kết luận trên đã khiến Chính phủ Nhật Bản quyết định mua nhiều tên lửa hành trình phóng từ trên không, có tầm bắn 1.000 km đủ để với tới lãnh thổ Triều Tiên. Nhưng rất khó để dùng các tên lửa như vậy để tấn công các dàn phóng di động nếu như thiếu khả năng tìm mục tiêu bằng vệ tinh, thứ mà Nhật Bản chưa có - theo giới chuyên gia.