Giáo dục

Nhất quán để đổi mới giáo dục

Đặng Tự Ân 11/03/2024 14:00

Gần đây, ở một số địa phương, khi xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học đã không tuân thủ theo Luật Giáo dục cũng như một số quy định hiện hành.

anhbaiduoi(2).jpg
Thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Nhu cầu học tiếng Anh ngày nay, nhất là ở vùng đô thị và thành phố lớn tăng rất cao. Đó là xu hướng đúng, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã quy định và khuyến cáo học sinh có thể học tập và đăng ký thi tốt nghiệp THPT 1 trong 7 ngôn ngữ tiếng nước ngoài. Do đó, việc chỉ đạo dạy ngoại ngữ cần mang tính tự nguyện, bình đẳng và không nên khuyến khích hay cổ xúy cho bất kỳ một môn học ngoại ngữ nào.

Cụ thể, năm học 2024 - 2025 đã có hàng chục tỉnh, thành phố còn ưu tiên và đề cao những học sinh theo học tiếng Anh và đặc biệt còn được tuyển thẳng vào các lớp đầu cấp cho những học sinh có điểm thi IELTS cao. Ngay cả một số trường đại học (ĐH) hay cao đẳng (CĐ) cũng tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho những thí sinh có điểm thi IELTS từ 4.0 trở lên.

Phong trào học và luyện thi IELTS những năm trở lại đây ở nhiều địa phương phát triển quá “sốt”, gây ra tốn kém tiền của, công sức và tạo ra áp lực nặng nề cho học sinh, ngay cả những học sinh nhỏ tuổi ở bậc tiểu học. Xã hội chưa hiểu hết, bản chất của kỳ thi đánh giá trình độ IELTS đó là chủ yếu cho những học sinh có dự định đi du học hoặc những ai chuẩn bị định cư ở các nước, nơi có sử dụng tiếng Anh.

Cách đây hơn nửa thế kỷ vào năm 1964, Chính phủ đã cho phép Bộ GDĐT tổ chức ở Trường ĐH Tổng hợp và Trường ĐH Sư phạm (Hà Nội) cùng một số tỉnh ở miền Bắc một lớp Toán đặc biệt, với số lượng nhỏ học sinh giỏi Toán, kỳ vọng tương lai làm nòng cốt cho lực lượng phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước. Đến nay, cả nước đã phát triển hùng hậu với 77 trường chuyên và có đầy đủ các lớp chuyên, để học chuyên sâu nhằm ứng phó với 12 môn thi học sinh giỏi toàn quốc ở lớp 12. Số học sinh trường chuyên có khoảng 5 vạn em, chiếm gần 2% học sinh THPT cả nước.

Tuy nhiên, ngoài trường chuyên, hầu hết các địa phương còn mở thêm các lớp cận chuyên trong trường, các lớp chọn với nhiều môn học khác nhau và có cả 3 cấp học phổ thông, với khoảng gần 10% học sinh phổ thông cả nước.

Có thể nói, hệ chuyên (lớp chuyên và lớp chọn) đã định hướng phát triển cho toàn ngành giáo dục với mục tiêu phát triển mũi nhọn và bồi dưỡng năng khiếu, tài năng cho đất nước. Học sinh chuẩn bị dự thi vào học các lớp chuyên từ rất sớm và gây quá tải, mất tuổi thơ ngay từ các lớp bậc tiểu học. Nạn dạy thêm, học thêm tiêu cực cũng từ đây mà phát triển, rất khó kiểm soát. Có chuyên gia nói rằng, bỏ hệ chuyên là bỏ được vấn nạn học thêm trong các nhà trường. Trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi là của mọi nhà trường và mọi giáo viên. Nếu có tập trung như trường chuyên như hiện nay, nhà nước nên giao cho hệ trường tư đảm nhiệm.

Theo quy định của Luật Giáo dục, Nghị định của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, thì không mở trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS, chỉ thi chọn học sinh giỏi ở lớp 12, không mở lớp cận chuyện trong các trường chuyên. Nghị quyết số 29, năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ rõ đường đi của giáo dục thời kỳ đổi mới là phát triển toàn diện phẩm chất năng lực cho học sinh. Khoa học đã chỉ ra, năng lực của con người là tổng hòa từ nhiều thành tố, phẩm chất khác nhau và phải qua trải nghiệm chứ không thể chỉ có kiến thức lý thuyết học chuyên sâu một hoặc một số môn học chuyên hay năng khiếu.

Thiết nghĩ, nếu mỗi chủ trương chuyên môn do địa phương triển khai mà vẫn chưa thoát khỏi tư duy của quan điểm giáo dục cũ (trong khi chúng ta đang triển khai chương trình GDPT mới 2018 hướng tới chú trọng năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học), thì chắc chắn sẽ làm chậm nếu không nói phá vỡ công cuộc đổi mới giáo dục mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhất quán để đổi mới giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO