Ra mắt từ đầu tháng 6 và cán mốc doanh thu 100 tỷ thế nhưng “Em và Trịnh” - bộ phim kể về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại tạo ra nhiều tranh cãi về chất lượng kịch bản, diễn xuất, thậm chí là việc khai thác nhân vật trong phim.
Thông tin giáo sư Michiko yêu cầu nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” xin lỗi hiện đang nhận được sự chú ý từ công chúng và giới làm phim. Trước khi vướng phải lùm xùm không đáng có, ekip “Em và Trịnh” cũng từng đối mặt với nhiều tranh cãi gây nuối tiếc.
Sử dụng hình ảnh không xin phép
Từ ngày công chiếu “Em và Trịnh” đã gây bão dư luận khi tái hiện một số tình tiết không đúng sự thật. Tranh cãi nảy lửa khi danh ca Khánh Ly lên tiếng phản đối chi tiết nhân vật Khánh Ly "đút sữa chua" và nói chuyện bỗ bã, đến chơi nhà của nhạc sĩ ở B'Lao...
Trong khi đó, ca sĩ Thanh Thúy phủ nhận việc bà mặc sườn xám và cùng Trịnh Công Sơn đi về trong ngõ tối... Danh ca Thanh Thúy chia sẻ với báo chí rằng hình ảnh của mình bị xuyên tạc trên phim về Trịnh Công Sơn.
Nữ danh ca Thanh Thúy không giấu được sự thất vọng khi chia sẻ với báo chí tiếng Việt ở hải ngoại: “Đó là thời gian mẹ tôi mới mất. Tôi để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ tôi mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Tôi cũng rất 'kỵ' hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngỏ hẽm mờ ảo như thế. Đó không phải là tôi.
Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của tôi lúc đó, tôi cũng nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Tôi không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý”.
Cả hai danh ca đều được nhà làm phim tìm đến để thăm hỏi trong quá trình xây dựng kịch bản. Hai ca sĩ cho biết họ đã góp ý cho nhân vật của mình sao cho sát hơn với thực tế, nhưng khi lên phim thì khác.
Hình tượng nhân vật Trịnh Công Sơn
Ngoài điểm sáng về phần bối cảnh và âm nhạc, phim khiến khán giả tranh luận dữ dội về hình tượng Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên.
Ở thời trẻ, nhân vật Trịnh Công Sơn do Avin Lu đóng tập trung phác họa các mối tình của ông với các nàng thơ Diễm xưa, Dao Ánh. Phân cảnh Trịnh gặp Bích Diễm tức Diễm xưa (Lan Thy đóng) được đạo diễn lấy cảm hứng từ lời cố nhạc sĩ kể trong sách "Một người thơ ca, một cõi đi về".
Tuy nhiên, phân cảnh này bị nhiều khán giả đánh giá chưa có chiều sâu. Cụ thể, trong phim khi nam nhạc sĩ vừa thấy bóng Bích Diễm đã lập tức rung động, đuổi theo chân nàng về đến tận nhà.
Nhiều khán giả không hài lòng về cách xử lý của đạo diễn ở cảnh này khiến họ hình dung về Trịnh Công Sơn thời trẻ có tính cách lén lút khi bám đuôi một thiếu nữ.
Thêm nữa, phim khắc họa một chàng Trịnh đang say lòng trước Bích Diễm nhưng lại lập tức ngẩn ngơ khi nhìn thấy em gái cô. Cách đạo diễn xử lý tình cảm có phần chồng chéo giữa Trịnh và Bích Diễm, Dao Ánh được cho là chưa thuyết phục.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả yêu Trịnh Công Sơn cho rằng, hình tượng chàng Trịnh thời trẻ do Alvin Lu đóng chưa đạt. Nhiều ý kiến phân tích, Avin Lu quá thư sinh, được xây dựng nông nổi, mờ nhạt so với một Trịnh Công Sơn sâu sắc, tư duy vượt bậc với những sáng tác đỉnh cao thời trẻ như "Ướt mi", "Diễm xưa"...
Làm chưa tới, chưa giống với bản gốc Trịnh Công Sơn
Trải qua 5 năm ấp ủ và thực hiện, “Em và Trịnh” đã được ra mắt khán giả. Thế nhưng, sau khi lên sóng, bộ phim nhận về những ý kiến khen, chê trái chiều.
Trên một vài diễn đàn về phim, số đông khán giả cho rằng “Em và Trịnh” khai thác chưa đủ sâu tính cách và chưa thực sự hiểu về con người Trịnh Công Sơn. Ở cả hai phiên bản trẻ và trung niên trong phim, họ chưa nhìn thấy được cốt cách ý nhị, tâm hồn sâu sắc hơn người mà cố nhạc sĩ sở hữu ngoài đời.
Có khán giả bày tỏ quan điểm: “”Em và Trịnh” là một bộ phim coi được nếu ai dễ tính và chưa biết gì về Trịnh Công Sơn, coi để biết. Còn đây là một bộ phim khá dở nếu không muốn nói là hơi cẩu thả đối với những người đã biết một chút về nhạc sĩ họ Trịnh”.
Ngoài ra, cách xây dựng câu chuyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các “bóng hồng” trong cuộc đời ông cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi. Người hâm mộ nhạc sĩ họ Trịnh không mấy hài lòng khi thấy hình tượng trên phim của ông được xây dựng theo hơi hướng đa tình. Số khác nhận định sự nông cạn của kịch bản đã bóp méo hình ảnh cao đẹp của ông.
“Cách khai thác của biên kịch và xử lý của đạo diễn cũng góp phần khiến nhân vật Trịnh Công Sơn trở thành một kẻ vô tính cách, hành động hời hợt. Cách cài cắm tình tiết bỗng nhiên hạ thấp hình ảnh Trịnh Công Sơn (cảnh bố của Dao Ánh trước chuyến tàu) trong mắt công chúng...”, một khán giả nhận xét gay gắt.