Tôi quyết cho rằng: Sáng tạo nghệ thuật không phải là một công việc nặng nhọc vất vả. Nói đến nghệ thuật là nói đến nhẹ nhàng, thanh thoát.
(Minh họa: Amin Faramarzian).
1. Đề cao hoạt động văn học nghệ thuật, nhiều người thường nói sáng tạo văn học nghệ thuật là một công việc nặng nhọc và vất vả.
Phải rồi, có những bài thơ thai nghén trong nhiều năm, có những cuốn sách phải viết đi sửa lại nhiều lần, có những bức họa vẽ trong vài năm vẫn còn dang dở, có nhạc sĩ phải thức trắng nhiều đêm để tìm cảm hứng... Nhưng tôi quyết cho rằng: Sáng tạo nghệ thuật không phải là một công việc nặng nhọc vất vả. Nói đến nghệ thuật là nói đến nhẹ nhàng, thanh thoát.
Không cứ phải làm được những công việc nặng nhọc và vất vả thì mới có giá trị. Có những công việc nhẹ nhàng nhưng khó thực hiện hơn nhiều lần những công việc nặng nhọc. Còn những người cảm thấy công việc nặng nhọc và vất vả, là do họ không đủ sức làm công việc ấy. Một người lãnh đạo trong điều kiện bình thường mà cứ bận bịu mải miết với công việc là một người lãnh đạo tồi. Một nhà giáo lên lớp phải vất vả với bài giảng đến toát cả mồ hôi, không có gì đáng khen. Một nghệ sĩ xiếc luôn thấy thần kinh căng thẳng rất dễ xảy ra tai nạn. Một nhà văn phải căng đầu óc ra, rồi vất vả với những trang viết của mình, sẽ không sinh ra được cái gì hay ho...
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực được tạo ra do hai yếu tố: người nghệ sĩ có điều muốn nói và có khả năng để nói ra. Khi hai yếu tố này hòa hợp với nhau thì tác phẩm được ra đời một cách tự nhiên như nhặt được, như trời cho vậy. Trần Đăng Khoa 8 tuổi đã làm thơ, thì chắc em cũng coi như một trò chơi, một công việc vui vẻ khác, chứ không phải một công việc nặng nhọc quá sức....
Có tài năng thì sẽ thấy viết văn là một công việc cũng nhẹ nhàng thôi. Dù là cung cấm anh cũng sẽ vào được dễ dàng nếu anh có chìa khóa. Nghệ thuật đòi hỏi sự điêu luyện đến mức tự nhiên như hoa đến kỳ thì nở. Còn nếu là loại cây không có hoa thì tha hồ chăm bón, tác động vất vả và khó nhọc cũng không thể có hoa được.
2. Chuyện của làng viết thì có nhiều, nhưng thao tác viết thì có ba loại: Viết như chơi, viết bình thường và viết vất vả. Viết vất vả thì giống như người thợ dựng một ngôi nhà mà lúng túng. Còn viết như chơi thì giống nhà nghệ sĩ tạo nên một công trình kiến trúc một cách nhẹ nhàng.
Tôi thấy, thơ thiền từ thế kỷ X đến thế kỷ XV đa số là viết như chơi. Đây là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân) của đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông: “Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chưa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới sấn hoa bay” (Ngô Tất Tố dịch). Bài thơ viết như chơi mà thanh thoát, sâu lắng, tĩnh tâm đến vô cùng! Ca dao dân ca cũng đa số là những câu viết như chơi: “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”, “Anh còn cái cối giã bèo/ Anh đem bán nốt để theo cô mình”, “Anh Tư không yêu (tang tình là) em đi lấy, lấy đạo bùa (qua lới yêu) phải yêu…”
Các nhà thơ xưa mang phong thái đạo mạo của người đã qua cửa Khổng sân Trình, nhưng những sáng tác đạo mạo thì không mấy còn lại với cuộc sống, chỉ có những câu thơ như chơi thì được gió mây neo giữ lại: “Giấc mộng làm quan chợt tỉnh ra/ Mới hay muôn sự thảy không mà!” (Nguyễn Trãi); “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi?” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Ngày trước làm quan cũng thế a?” (Nguyễn Khuyến)…
Viết như chơi, viết dễ dàng chính là những câu chữ tự nhiên từ hồn phát ra, không cần cầu kỳ lắp ghép, không cần đẽo gọt kê chỉnh. Đọc Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Nhật ký trong tù cho ta cảm giác ấy. Cảm giác như các tác giả không định làm văn chương mà lại thành những kiệt tác. Tưởng chừng những tác phẩm ấy chỉ vô tình xuất hiện trong cuộc sống của tác giả chứ không phải tác giả cố tạo ra, hay quá quan trọng hóa. Đó là những tác phẩm mà nhà phê bình văn chương Kim Thánh Thánh (Đời Thanh -Trung Quốc) gọi là do “thợ trời” tạo ra.
Lịch sử văn chương của nhân loại cũng vậy thôi. Văn hào Lỗ Tấn (Trung Quốc) đầu thế kỷ XX viết tạp văn là để bảo vệ dân tộc và nền văn hóa chứ không nghĩ làm văn chương. Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Magơrít Mitchel (Mỹ)…
Viết như chơi nghĩa là hoàn thành tác phẩm một cách nhẹ nhàng của người còn dư sức lực. Người đọc thì cảm thấy thích, thấy tiếc, còn muốn đọc nữa. Cảm thấy tác giả có thể viết tiếp, viết tác phẩm mới ngay được. Tư thế làm chủ trang viết của nhà văn rất rõ. Cảm thấy công việc sáng tạo là một công việc đáng yêu. Người viết được như chơi là ở trên những người viết một bậc. Số này rất ít, những tác phẩm họ viết ra thường có giá trị. Chưa hẳn những tác phẩm được viết như chơi có giá trị tư tưởng cao và sâu sắc, nhưng về nghệ thuật thì có thể khẳng định là nó rất ít tì vết.
Đa số các nhà văn thì thao tác viết tác phẩm một cách bình thường. Có lúc viết được như chơi và có lúc thấy vất vả. Thường thì những lúc cảm hứng đến thì viết được nhẹ nhàng, khi cảm hứng đi qua thì “đánh vật với từng con chữ”. Do đó, những tác phẩm mà họ tạo ra cũng bình thường, có giá trị ở một số mặt và khiếm khuyết ở một số mặt khác. Có lẽ tình hình chung là như vậy nên công việc viết văn cũng được nhiều người coi là một nghề chăng?
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Nhật ký trong tù, một trong những tác phẩm văn chương bất hủ của dân tộc, trong tâm thế Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây… Nói cách khác, Người trở thành nhà thơ lớn một cách vô tình. Còn đại thi hào Nguyễn Du thì để lại kiệt tác của muôn đời là Truyện Kiều cũng một cách vô tình không kém: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Trong lịch sử văn chương nhân loại cũng có những tên tuổi lớn đến và đi rất nhanh trên bầu trời văn chương nhưng vô cùng sáng chói như: Baicơn (Anh), Phu xích (Séc)…
Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam Nguyễn Khuyến cũng có những điều đặc biệt bất ngờ. Thời trẻ ông đỗ Tam nguyên và làm quan đến chức Tổng đốc. Trong cuộc đời công danh ấy, ông đã làm rất nhiều thơ, được không ít bạn bè và cấp dưới bái phục, ngợi ca. Thì thời nào mà chẳng thế, người đời phù thịnh chứ ai phù suy. Nhưng tất cả những bài thơ ấy đã tan cùng mây khói theo thời gian. Chỉ những năm tháng ông đã “suy”, về quê ở ẩn: Vườn Bùi chốn cũ – Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây, rời xa chốn phồn hoa đô hội, những bài thơ làm ra tự mình ngâm cho mình nghe, không ai tung hô xu nịnh mới để lại tên tuổi muôn đời cho ông: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm…
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì dường như có phần ngược lại. Lên tám tuổi, Trần Đăng Khoa đã nổi tiếng là thần đồng. Sáo diều tuổi thơ của Trần Đăng Khoa chỉ ở trong góc sân nhà em mà làm cho cả bốn phương biết tiếng. Thơ tuổi học trò của Trần Đăng Khoa năm chục năm qua đã được tái bản đến trăm lần, và hương thơm của Hạt gạo làng ta đến nay vẫn còn vang mãi. Lớn lên, Trần Đăng Khoa đã đi khắp cả thế giới, đọc biết bao trước tác cổ kim đông tây, tư tưởng thì lớn thêm, chức tước cũng cao hơn… Nói tóm lại là mọi điều anh đã vượt xa cái thuở mơ theo con bướm vàng, nhưng nói gì thì nói, thơ anh không còn được nổi tiếng như thuở trước. Nghịch lý bí ẩn này, chỉ có ông giời mới cắt nghĩa được.
Mỗi người mỗi vẻ, với những nghịch lý và bí ẩn riêng. Và hình như, nếu không có những nghịch lý và bí ẩn thì thường là ở những nhà văn không nổi tiếng. Nói cách khác, những nghịch lý và bí ẩn đi liền với những tài năng. Còn những cuộc sống bình lặng, không có những bất ngờ đột biến thì khó có thể có những dồn nén, những đột khởi. Tuy nhiên, những dòng sông phẳng lặng đôi khi cũng hội tụ đầy trầm tích, thời cơ đến bất ngờ hóa Bạch Đằng. Đó cũng lại là một nghịch lý bí ẩn khác.