Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do chó, mèo cắn, cào thì việc quá gần gũi với “thú cưng” cũng ẩn chứa nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo...
Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa cứu thành công một trường hợp mắc bệnh hiếm gặp sau khi bị mèo cắn. Đó là bệnh nhân nam (37 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) khi bắt mèo nhà làm thịt, bị mèo cắn khoảng gần 2 tháng trước khi đến bệnh viện.
Tại thời điểm vào viện khám, bệnh nhân có sưng đau đầu ngón tay bên phải và vùng hố nách cùng bên tay bị mèo cắn, có hạch sưng đau.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh do mèo cào, theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được điều trị bằng giảm đau, hạ sốt, kháng sinh theo phác đồ.
Bệnh mèo cào là bệnh được thế giới công nhận là bệnh nhiễm trùng thường do trực khuẩn gram âm bartonella henselae gây ra. Mèo là ổ chứa tự nhiên của bartonella henselae và sinh vật này gây bệnh nhiễm khuẩn huyết trong hồng cầu và có thể tồn tại 1 năm hoặc lâu hơn ở một số con mèo. Cơ chế nhiễm bệnh có thể do mèo cào hoặc cắn gây xây xước trên cơ thể người bệnh hoặc mèo liếm rây nước bọt vào vết thương hở trên cơ thể người bệnh.
BS Phạm Công Đức - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, khi xâm nhập từ mèo vào cơ thể con người qua vết cào hoặc vết cắn, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể người, gây tình trạng viêm hạch tại chỗ.
“Bệnh mèo cào nếu phát hiện muộn có thể biến chứng nghiêm trọng vào nội tạng gây tổn thương gan, thận; biến chứng thần kinh gây viêm não, động kinh; biến chứng vào mắt gây mù lòa… ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh” – BS. Đức thông tin thêm
Một trường hợp khác, bệnh nhân H. (32 tuổi, Hà Nội) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn nghèo như giun bò. Khai thác bệnh sử cho thấy, người bệnh thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ khoảng hơn chục năm nay, đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng nhưng không thấy bệnh khỏi dứt điểm.
TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân H. có chỉ số dương tính với giun đũa chó mèo và bạch cầu ái toan tăng kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da.
Theo BS Thọ, nhiều người hiện nay nuôi thú cưng và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo và họ coi những động vật nuôi trong nhà là những người bạn thân thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo tương đối cao. Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm và đã đi khám và điều trị tại một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm.
Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi. Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Đa phần, khi bị ngứa trong tiềm thức người bệnh thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch nhưng điều trị bệnh không thuyên giảm.
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, BS Thọ khuyến cáo, không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Cần vệ sinh sạch sẽ cho có mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải.
Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao. Đồng thời, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iodine hoặc povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.