Sức khỏe

Nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng

Đức Trân 25/01/2024 07:51

Nhiều người hiện nay nuôi thú cưng và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo và họ coi động vật nuôi trong nhà là những người bạn thân thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo.

Thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ kéo dài hơn 6 tháng nay, ông N.B.Đ. (55 tuổi, ở Bắc Giang) đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám trong tình trạng xuất hiện nhiều ban dạng sẩn đỏ rải rác toàn thân.

Trước đó, ông đã đi khám da liễu và uống thuốc theo đơn điều trị 3 đợt nhưng không thấy bệnh khỏi dứt điểm.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Hình ảnh siêu âm ổ bụng và chụp cộng hưởng từ phát hiện nhiều tổn thương dạng nốt kích thước dưới 2cm, nằm rải rác ngoại vi của gan. Đồng thời, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao và dương tính với giun đũa chó. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ấu trùng giun đũa chó, thể ấu trùng di chuyển nội tạng.

Được biết, gia đình ông Đ. nuôi chó nhiều năm nay, do yêu thích động vật nên ông hay chơi và cho thú cưng ngủ cùng. Tuy nhiên, ông Đ. không có thói quen tẩy giun định kỳ cho vật nuôi và thường xuyên làm vườn mà không sử dụng găng tay bảo hộ.

Lý giải về nguyên nhân lây nhiễm bệnh, BS Nguyễn Thị Ngoại - khoa Khám bệnh (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, khi vật nuôi bị nhiễm giun đũa, sau khi ký sinh, trứng sẽ phát triển rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân của động vật. Trong quá trình sinh hoạt, chăm sóc vật nuôi, người dân không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết khi làm vườn cũng là nguồn lây nhiễm bệnh…

Theo TS. BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người hiện nay nuôi thú cưng và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo và họ coi những động vật nuôi trong nhà là những người bạn thân thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo tương đối cao.

Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm và đã đi khám và điều trị một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm.

Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da, bởi không phải lúc nào cũng ý thức được khi ngứa phải rửa tay rồi mới gãi. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi. Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người.

Đa phần, mọi người khi bị ngứa trong tiềm thức người bệnh thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch nhưng điều trị bệnh không thuyên giảm.

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó, mèo, BS Thọ đưa ra khuyến cáo, không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó, mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó, mèo, nhất là phần đuôi của thú cưng, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải. Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao. Đồng thời, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Ký sinh trùng là bệnh lý khó chẩn đoán bởi các triệu chứng đa dạng, không đặc hiệu, tùy vị trí ký sinh mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nhiều trường hợp, bệnh lý âm thầm tồn tại trong cơ thể nhiều năm với biểu hiện mờ nhạt cho đến khi gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan. Thông thường, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể và “ẩn nấp” dưới các cơ quan, do đó, nhiều trường hợp phải làm tới 2 - 3 xét nghiệm hay thăm dò khác mới xác định chính xác được bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng