Ngày 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” và Quy định 113 của Ban Bí thư về "Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương".Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh một số điểm mới trong Quy định 114 thay thế Quy định 205 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền được Bộ Chính trị ban hành năm 2019, như: Quy định chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ có vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết hay quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồn
Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người. Do vậy, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải đặc biệt lưu ý cân nhắc đầy đủ và công tâm, khách quan, tính toán sao cho quyết định trong công tác cán bộ khi đưa ra đạt được sự "tâm phục, khẩu phục". Bà Mai nhấn mạnh, việc quán triệt, thực hiện nghiêm để Quy định 114 đi vào cuộc sống sẽ giúp công tác cán bộ ngày càng thực chất hơn, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) khẳng định: "Cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng". Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, công tác cán bộ luôn được Đảng coi trọng, chỉ đạo thường xuyên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Chính vì vậy, việc quán triệt, hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ là hết sức cần thiết. Đó là xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm”; xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.
Hệ thống văn bản cụ thể cho từng khâu công tác cán bộ của Đảng là rất rõ ràng. “Chống” cũng là để “xây”. Quy định 22-QĐ/TW về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng là nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm gánh vác việc dân, việc nước.
Ở đây, công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ là hết sức quan trọng. Cần có “con mắt xanh” khi nhìn nhận, đánh giá và cùng đó phải thực sự công bằng, công tâm để chặn bằng được những kẻ cơ hội tìm cách “leo cao, luồn sâu” vào tổ chức để trục lợi cá nhân, để phục vụ nhóm lợi ích.
Việc quán triệt, triển khai Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” và Quy định 113 của Ban Bí thư ngày 10/7/2023 "Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương", cũng chính là nhắm tới mục đích đó.