Hải Đông là nhiếp ảnh gia nổi tiếng của TP HCM. Anh cùng gia đình đang trải qua 21 ngày phong tỏa tại hẻm “Hoa hậu” - vì có ca mắc Covid-19.
Anh chia sẻ về tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng qua những ngày không thể nào quên của thành phố, khi mà anh chỉ có thể nhìn ngắm không gian xung quanh từ nóc nhà. “Người Sài Gòn-TP HCM sống đơn giản, bao dung và hào sảng, nói ít làm nhiều. Có việc gì chỉ cần “hê” một tiếng là ai cũng sẵn sàng giúp một tay liền”.
Khi hẻm nhà anh bắt đầu có ca nhiễm đầu tiên và bị “giăng dây”, suy nghĩ của anh và người thân trong gia đình như thế nào?
- Gia đình cũng đã chuẩn bị cho tình huống này. Tôi cũng nói chuyện, dặn dò với vợ con là nhà mình, xóm mình cũng có thể bị “dính” bất cứ lúc nào. Vậy mà cái buổi sáng nghe rần rần trong hẻm rồi thấy bị giăng dây phong toả thì gia đình cũng có một chút lo lắng và ngơ ngác.
Là người đi nhiều, quan hệ rộng, giờ hoàn toàn ở trong nhà, nhịp sống của anh thay đổi ra sao?
- Mấy ngày đầu tiên thì thấy cũng vui vui, là lạ. Còn được ra hẻm chơi, đạp xe, thể dục. Bạn bè hỏi thăm, tiếp tế lương thực, thực phẩm, được ăn uống ngon hơn ngày thường nhiều nên có phần vui, một chút… hãnh diện nữa. Sau một tuần, phát hiện thêm mấy ca F0, từ đó không được bước ra khỏi cửa nữa nên bắt đầu cảm thấy bức bối. Nhìn qua khung cửa thấy được một chút con đường xe qua lại, hay những nhà hẻm khác chỉ cách mấy chục mét thôi mà được tự do khác hẳn.
Bù lại thì gia đình tôi có cơ hội quây quần bên nhau mà lâu rồi mới được. May mắn là trước đó hai cậu con lớn đã dọn máy móc thiết bị về nhà để làm việc tại nhà nên gia đình có mặt đầy đủ bên nhau. Cùng ăn, cùng tập thể thao, thậm chí lai rai bia bọt chuyện trò với nhau thật thích.
Gia đình anh đã được khu phố, hay hàng xóm quan tâm ra sao trong những ngày phong tỏa này?
- Không chỉ gia đình tôi mà là cả xóm, cả con hẻm được hội phụ nữ phường tặng quà kha khá lương thực, thực phẩm từ những ngày đầu. Sau đó thì đều đặn nhận được bánh mì, bánh ngọt, đặc biệt là rau củ quả của hội từ thiện mà trong xóm có mấy chị là thành viên của hội. Hàng xóm láng giềng cũng thân thiết, hỏi han, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Xóm còn tạo một group chat để xem ai có cần giúp đỡ gì hoặc cung cấp thông tin cần thiết, động viên nhau.
Anh có thể chia sẻ những quan sát cuộc sống của mọi người xung quanh từ “nóc nhà”?
- Do chỉ còn mỗi sân thượng nên tôi thường lên “nóc nhà” để tập thể thao, chăm sóc cây cối, hít thở không khí ngoài trời. Từ đó mới có dịp, có thời gian ngắm nhìn xung quanh, rảnh quá mà. Có khi chỉ cần vẫy tay chào nhau từ người ở nóc nhà này với hàng xóm ở nóc nhà khác mà cũng vui và như được tiếp thêm năng lượng. Ngắm những công trình xây dựng thay đổi từng ngày. Cô chú nhà kia chăm sóc vườn hoa hồng đẹp ra sao. Dì nọ thu hoạch mướp thế nào… Thậm chí đến quan sát cả mèo hoang hay chuột đi ngoài hẻm vắng. Vậy đó mà yêu thương cuộc sống và con người hơn.
Dù người TP HCM có đang gặp khó khăn khi thành phố bùng dịch nhưng vẫn đầy tinh thần tương thân tương ái ra sao, thưa anh?
- Dịp này càng thấy được tấm lòng “lá lành đùm lá rách”. Người dân TP HCM vẫn đóng góp, vẫn tiếp tục tăng cường kêu gọi sẻ chia cho các tỉnh và cho chính những nơi đang bị phong toả cách ly của thành phố. Có bạn tôi biết không khá giả gì, lại đang thất nghiệp hơn 6 tháng nay vì dịch bệnh, nhưng vẫn đóng góp chỗ này chỗ kia. Bạn còn gửi thức ăn tiếp tế cho tôi mấy lần dù tôi quyết liệt cản. Trong lúc TP HCM khó khăn, các tổ chức, cá nhân từ các tỉnh thành cũng đã và đang giúp về tiền bạc, con người, nhân lực… khiến người dân thành phố rất cảm động. Tinh thần tương thân tương ái lan tỏa qua lại thật đẹp.
Tinh thần tương thân tương ái đó, theo anh bắt nguồn từ đâu?
- Từ ngàn xưa của dân tộc. Từ làng quê là những cộng đồng bao bọc giúp đỡ lẫn nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, được duy trì phát triển qua sự giáo dục trong gia đình và xã hội cho đến nay…