Quốc tế

Nhiệt độ các đại dương ‘xô đổ’ mọi kỷ lục

THẾ TUẤN 28/01/2024 09:03

Ngày 26/1, thông tin từ tạp chí Advances in Atmospheric Sciences cho biết, năm 2023, nhiệt độ các đại dương một lần nữa "xô đổ" các kỷ lục được thiết lập trước đó và xu hướng ấm lên sẽ tiếp tục trong năm 2024.

anh-bai-dai-duong-nong-len.jpg
Gấu trắng Bắc Cực bị đe dọa do băng tan. Ảnh: AFP.

Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học đa quốc gia từ 17 viện nghiên cứu ở Mỹ, Trung Quốc, Italy, Pháp và New Zealand. Họ phát hiện ra rằng trong 5 năm liên tiếp, nhiệt độ các đại dương “thay nhau” xác lập kỷ lục mới, trong đó 2023 là năm ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay.

Ông Cheng Lijing - Viện Vật lý khí quyển thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, tình trạng ấm lên của các đại dương là một chỉ số quan trọng để đánh giá biến đổi khí hậu, vì đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu.

“Năm 2023, phần nước bề mặt dày 2.000m trên các đại dương đã hấp thụ một lượng nhiệt lớn, đủ để đun sôi 2,3 tỉ bể bơi kích thước chuẩn Olympic” - theo ông Cheng.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, đại dương ấm lên sẽ làm giảm lượng oxy trong nước biển và khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2), dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống động, thực vật trong lòng đại dương. Đồng thời sẽ làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến các cơn bão gia tăng cường độ với những trận mưa lớn hơn, gió mạnh hơn và lũ lụt nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science của hai tác giả Justin Penn (Đại học Washington, Mỹ) và Curtis Deutsch (Đại học Princeton, Mỹ) cũng cho rằng nếu tình trạng nước biển ấm lên và vẫn duy trì như hiện nay thì hệ sinh thái biển trên toàn hành tinh có thể trải qua một cuộc tuyệt chủng hàng loạt tương đương với cuộc “đại diệt vong” tồi tệ nhất cách đây khoảng 250 triệu năm.

Ở thời điểm xảy ra sự kiện thảm khốc đó, sự sống trên Trái đất bị xóa sổ, khoảng 97% sinh vật biển đã chết.

Theo Đài quan sát Khí hậu Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ bề mặt đại dương đã lên đến 20,96 độ C (69,7 độ F) vào ngày 4/8/2023. Mức nhiệt đó duy trì cho tới giữa tháng 1/2024. TS Piers Forster (Trung tâm Khí hậu quốc tế Đại học Leeds, Anh) cho biết, nước biển ấm lên sẽ tạo ra sóng nhiệt, đe dọa trực tiếp đối với một số sinh vật biển. Rõ nhất là các rạn san hô sẽ bị tẩy trắng. Đại dương nóng lên sẽ đe dọa nguồn cá và do đó làm suy yếu an ninh lương thực ở một số nơi trên thế giới.

Cơ quan Khí tượng và Đại dương Mỹ (NOAA) còn cho biết, hiện tại bề mặt Bắc Đại Tây dương đã tăng lên mức cao kỷ lục là 24,9 độ C. Trong khi đó, vùng biển Địa Trung Hải nhiệt độ tăng lên 28,71độ C. Tuy rằng chưa có con số cụ thể về nhiệt độ ở Bắc Cực và Nam Cực nhưng tình trạng tan băng đang diễn ra cũng đủ để cho thấy hai cực của Trái đất đã nóng lên một cách bất thường.

Trước tình thế đó, nhà hải dương học Catherine Jeandel - thuộc Cơ quan nghiên cứu CNRS (Pháp) cảnh báo: Hoạt động của con người khiến nước biển nóng lên, đại dương đã như một "quả bom hẹn giờ". Đại dương, giống như miếng bọt biển, hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt gia tăng do các hoạt động của con người gây ra. Hiện tượng này giống như các đám cháy dưới nước có nguy cơ khiến đáy đại dương rơi vào tình trạng suy thoái và không thể phục hồi. Trong khi nhiệt độ nước biển ở tầng mặt lên cao sẽ làm gián đoạn các quá trình hòa tan các chất dinh dưỡng và oxy - vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ sự sống và nguy cơ thay đổi vai trò quan trọng của đại dương trong việc hấp thụ carbon từ khí quyển.

“Khi nước biển nóng hơn, hiện tượng bốc hơi sẽ tăng và nguy cơ cao xảy ra các cơn giông lốc mạnh hơn và gây tác động xấu đối với các dòng hải lưu. Như vậy đại dương giống như một "quả bom hẹn giờ" mà rủi ro là không thể lường trước” - bà Jeandel nói.

Báo cáo về Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ cho rằng các núi băng biển đang mỏng đi. Vùng cực được coi là “tủ lạnh” của Trái đất trong vai trò điều chỉnh nhiệt độ toàn cầu đang bị đe dọa. Bắc Cực hiện đã là “tiền tuyến” của biến đổi khí hậu. Oscar Schofield - giáo sư hải dương học sinh học tại Đại học Rutgers (Mỹ) nhấn mạnh, tác động lâu dài lớn nhất của sự nóng lên ở Bắc Cực sẽ là mực nước biển dâng khi băng tan, làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn bờ biển, các khu vực lũ lụt trước đây chưa từng thấy và thậm chí làm gia tăng lũ lụt trong đất liền do nước biển mặn làm thay đổi mực nước ngầm và làm ngập các nguồn nước ngọt. Schofield nhận định nhiệt độ cần phải dưới 0 độ C để phát triển và duy trì băng.

“Chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được lớp băng đó, vì phải mất hàng nghìn năm các lớp tuyết tích tụ chồng lên nhau mới tạo nên tảng băng dày vài km” - giáo sư Schofield nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệt độ các đại dương ‘xô đổ’ mọi kỷ lục