Theo ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được đưa vào viện trong tình trạng nặng, sốc do biến chứng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Giảm tiểu cầu do nhập viện quá muộn
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 102 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (54.219/21) số ca mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp. Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc và đã có trường hợp tử vong.
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc SXH tại 30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc SXH (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch SXH mới tại 19 quận, huyện…
Đáng lo ngại hơn, số ca nhập viện do mắc SXH nặng, biến chứng cũng đang gia tăng với nguyên nhân chính là do người bệnh nhập viện muộn. Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện đa khoa Đống Đa… đều cho biết thời gian gần đây, số ca nhập viện vì SXH nặng đang có chiều hướng gia tăng với những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết, về trường hợp bệnh nhân mắc SXH có tiểu cầu hạ về 0 hiếm gặp. Cụ thể, 1 tuần trước, bệnh nhân N.Đ.T. (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) có dấu hiệu gai rét, mệt nhiều, sốt cao. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi thăm khám mà chỉ uống thuốc hạ sốt tại nhà. Sau khi sốt 3 ngày, bệnh nhân đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt. Ngay lập tức, người bệnh được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính SXH Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/l. Ông T. được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Đống Đa.
Bác sĩ Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa thông tin, bệnh nhân có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, gout đã biến chứng u sùi bàn chân. Khi vào viện, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi chân; chỉ số tiểu cầu là 2 G/l.
Theo các bác sĩ Tình, thông thường số lượng tiểu cầu trung bình của một người khỏe mạnh là từ 150 - 450 G/l; mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; mức nghiêm trọng là 10 - 20. Đối với bệnh nhân nói trên mức tiểu cầu về mức 0 G/l là trường hợp hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm. Được biết, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Một trường hợp khác, đã xuất viện được vài ngày nhưng vẫn còn mệt mỏi vì nhập viện điều trị SXH trong tình trạng nặng, chị Nguyễn Cẩm Giang (Hà Nội) kể lại: “Cách đây 2 tuần tôi sốt cao nhưng chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường nên không đi khám mà ở nhà và uống thuốc hạ sốt. 5 ngày sau, do sức khỏe ngày càng kém, bệnh không thuyên giảm và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác nên tôi nhập bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Tại đây, bác sĩ yêu cầu nhập viện vì kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu, hồng cầu đều xuống thấp đến mức nghiêm trọng, thậm chí bác sĩ yêu cầu đi vệ sinh tại chỗ, không được rời giường, không được đánh răng vì lo ngại khi có va chạm gây chảy máu thì cơ thể không thể tự cầm máu được. Nhập viện vì SXH là trải nghiệm rất tệ, tôi xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như ăn không tiêu, không thể nằm nghiêng người vì phần bụng chướng lên đau. Đi kèm đó là triệu chứng đi tiểu ra máu. May mắn thay, nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ, tôi cũng đã hồi phục và được xuất viện”.
Bác sĩ Hà Huy Tình lý giải, một trong những sai lầm thường gặp ở bệnh nhân mắc biến chứng SXH, đó là nhập viện muộn vì chủ quan. Người bệnh thường cho rằng giai đoạn sốt là giai đoạn nguy hiểm nhất (khoảng 3 ngày đầu), khi hết sốt tức là cơ thể đã khỏe. Nhưng đối với SXH, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, đối với căn bệnh này, thời điểm nguy hiểm nhất lại là khi hết sốt, thường rơi vào ngày thứ 4-7 của bệnh. Trong đó, một trong những biến chứng nguy hiểm và thường gặp là giảm tiểu cầu.
“Khi bị SXH, virus gây bệnh sẽ ức chế khu vực sản xuất tiểu cầu (tủy xương) làm giảm khả năng sản xuất tiểu cầu, các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus khiến số lượng tiểu cầu trong máu giảm, cộng thêm các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn SXH cũng phá hủy một lượng lớn tiểu cầu… gây nên tình trạng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân SXH. Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi. Do đó, khi người dân mắc SXH cần lưu ý các biểu hiện của giảm tiểu cầu. Ở thể nhẹ, người bệnh có xuất huyết trên da ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng… Ở thể trung bình, người bệnh có xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn” - bác sĩ Tình cho biết.
Điều trị theo đúng chỉ định, phác đồ để tránh biến chứng
Tại TPHCM, tính từ đầu năm tới ngày 9/10 đã ghi nhận 64.461 ca mắc SXH, tăng 627,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã có 26 ca tử vong trong đó 75% số ca tử vong là người lớn.
Dù tình hình SXH trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm nhưng số ca nặng nhập viện vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Để hạn chế số ca nặng và tử vong do SXH, Sở Y tế TPHCM đã quyết định áp dụng mô hình tháp 3 tầng theo kinh nghiệm của điều trị Covid-19 để điều trị bệnh nhân SXH.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, SXH Dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ SXH nghiêm trọng hơn. Theo đó, nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc SXH có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không. Hơn hết, công tác phòng, chống SXH cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội.
PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi bị SXH, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc do mất máu, thoát huyết tương, tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ tử vong. Từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn.
Do vậy, khi có sốt cao, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị phù hợp. Đặc biệt là đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền… khả năng miễn dịch yếu hơn, khi mắc thêm một căn bệnh khác dễ có biến chứng nặng hơn.
Trường hợp điều trị và theo dõi SXH tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ.
ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E:
Không tự ý dùng thuốc điều trị
Bệnh nhân mắc SXH thường có tiểu cầu thấp, thông thường nếu tiểu cầu xuống đến dưới 50 G/L, kèm theo dấu hiệu xuất huyết niêm mạc thì đã có chỉ định truyền tiểu cầu. Trường hợp bệnh nhân có tiểu cầu giảm xuống đếm dưới 5 G/L, mặc dù chưa có dấu hiệu xuất huyết thì cũng có chỉ định truyền tiểu cầu để dự phòng nguy cơ chảy máu.
Người bệnh SXH thường xuất hiện triệu chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc ra máu âm đạo ở phụ nữ từ ngày thứ 3 sau bệnh, thế nhưng, thực tế thăm khám cho thấy rất nhiều trường hợp chủ quan, chỉ ở nhà uống thuốc hạ sốt đến khi quá mệt mỏi hoặc đã xuất hiện biến chứng mới tới viện. Gần đây, Bệnh viện E cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân chảy máu ồ ạt, tiểu cầu tụt nhanh chóng tới mức nghiêm trọng vì SXH, cũng như những trường hợp khác, bệnh nhân này có dấu hiệu sốt từ cách đó 3 ngày nhưng không đi thăm khám mà tự sử dụng thuốc hạ sốt. Do đó, khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt thì cần đi viện kiểm tra loại trừ SXH, không tự sử dụng thuốc.
Hiện dịch SXH đang có diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tăng gấp 2 lần so với năm trước. Mùa dịch năm nay cũng là chu kỳ SXH quay lại đỉnh dịch, người dân tuyệt đối không chủ quan trong phòng bệnh.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:
Thấy hết sốt, đừng vội chủ quan
Những ngày qua, bệnh viện thường tiếp nhận những ca SXH có diễn biến nặng từ các tuyến chuyển lên. Trung bình 1 ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 3 - 6 ca.
SXH là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Cần nhấn mạnh, đối với SXH, không phải thấy hết sốt mà chủ quan, bệnh nhân SXH thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp vào viện đã là ngày thứ 4, thứ 5, tức là bước vào giai đoạn nặng. Thực tế, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng khiến việc điều trị cực kỳ khó khăn.
Một lưu ý khác, khi sốt, bệnh nhân cần uống Paracetamol đơn chất, không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị SXH do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
Đặc biệt, những ngày đầu của bệnh, việc truyền dịch không cần thiết, không phải cứ có chẩn đoán SXH là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà. Từ ngày thứ 6 của bệnh là giai đoạn tái hấp thu và phục hồi, nếu truyền dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp.
Nghĩa Toàn(ghi)