Ngày 9/12, tại tỉnh Ninh Bình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực, kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho tôn giáo các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TNMT thuộc Bộ TNMT đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo MTTQ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Trung bộ và đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn 2 khu vực... nêu trên.
Mở đầu hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam hiện là một trong những nước đang ở mức báo động cao về ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng khá nhanh cùng sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng nặng nề đối với môi trường nước ta.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người dân và các tôn giáo. Theo bà Ánh, trong thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trong cả nước đã xây dựng, triển khai hơn 2.000 mô hình bảo vệ môi trường; vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo…
Để thực hiện tốt Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ TNMT giai đoạn 2021-2025, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa MTTQ Việt Nam cấp tỉnh với Sở TNMT để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh nói: "Tại hội nghị này sẽ cung cấp những kiến thức pháp luật hiện hành mới nhất về bảo vệ môi trường; những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay và tiếp tục phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH".
Cùng với đó, đây cũng là dip để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm tốt và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn giữa các địa phương, các tôn giáo để thực hiện hiệu quả hơn Chương trình phối hợp, phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2026, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu trong Chiến lược quốc gia đã đề ra là đến năm 2030, sẽ nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triền các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon.
Tại hội nghị, đại diện Bộ TNMT cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Tại hội nghị, đại biểu các tổ chức tôn giáo đã chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo và kết quả của địa phương mình trong công tác thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, điển hình như: Tuyên truyền vận động tăng ni, phật tử thực hiện lối sống tiết kiệm, sống thân thiện và BVMT, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; kêu gọi người dân hạn chế đốt hương, vàng mã và không xả rác bừa bãi tại các khu, điểm tâm linh; lồng ghép công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong các khóa tu, lớp giáo lý; cử cán bộ tham gia hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ môi trường do Bộ TNMT tổ chức; ký kết với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thả hàng ngàn con cá giống; phối hợp với MTTQ, Công an các tỉnh tổ chức phát động mô hình ‘Chùa tinh tiến về an ninh trật tự, gương mẫu, thân thiện với môi trường; triển khai hiệu quả mô hình vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và việc lễ…
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề cập tới những khó khăn, bất cập và có những kiến nghị tới UBTƯ MTTQ Việt Nam trong triển khai hoạt động ảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.