Sáng 16/5, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Nhiều chương trình hành động cụ thể học tập, làm theo gương Bác
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 bước đầu đã ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc thực hiện Chỉ thị 05 từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân.
Ở hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể về học tập và làm theo gương Bác. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng lựa chọn nội dung đột phá để tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng quy chế, quy định việc định kỳ thực hiện trao đổi, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường đối thoại nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cụ thể, Hà Nội đã chuyển sang cơ quan điều tra 18 vụ án lớn, giải quyết được 37 vụ tồn đọng, phức tạp. Thành ủy Hải Phòng giải quyết dứt điểm 11 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Bắc Ninh đã tổ chức 548 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, cấp huyện lựa chọn 42 vấn đề, cấp xã lựa chọn 231 vấn đề bức xúc, nổi cộm, tồn tại, đã giải quyết được trên 80% vụ việc. Bắc Giang có 100% cấp ủy cấp huyện và cơ quan đơn vị xã phường, thị trấn đăng ký nhiệm vụ trọng tâm, việc bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết dứt điểm, hiện đã giải quyết được trên 90% vụ việc.
Hay ở Long An các cấp chính quyền tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm như: Quản lý đất đai, xây dựng, ô nhiễm môi trường, tái định cư, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc và có bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin phản cảm gây dư luận xấu.
Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ
Theo ông Võ Văn Thưởng, ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được các địa phương, đơn vị thực hiện trong thời gian qua. Chẳng hạn, Bắc Giang, Phú Thọ chỉ đạo, xây dựng nhân rộng điển hình trong học tập và làm theo gương Bác. Trong đó Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu cứ 3 đơn vị phải lựa chọn để xây dựng điển hình là một cán bộ lãnh đạo.
Chính phủ, nhiều ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực như: “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ”; mô hình “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu, dưới tích cực làm theo", UBTƯ MTTQ Việt Nam có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua các phong trào đó đã phát hiện hàng ngàn tấm gương sáng của cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân trong học tập và làm theo gương Bác.
Để nhân rộng việc học tập và làm theo gương Bác trong thời gian tới, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho rằng, học tập, làm theo Bác không chỉ là những việc làm lớn lao mà từ những việc nhỏ nhất, tùy theo sức của mình. Ninh Bình rất coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
“Người đứng đầu nêu gương về đạo đức, nhưng dấn thân về hành động, hành động quyết liệt. Phải xác định những việc làm cụ thể tạo sự chuyển động mới về kinh tế xã hội”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Đồng quan điểm, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cũng đề cao tinh thần gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu. Đặc biệt phải chọn những việc nóng, bức xúc của nhân dân để có giải pháp “thanh toán” những điểm nóng này. Theo đó, lãnh đạo phải sát dân, gần dân, hiểu được việc dân.
Bí thư Bắc Giang cho hay, sau khi nắm được 3 vấn đề nóng trong dân gồm: Giao thông nông thôn, ô nhiễm môi trường, thiếu trường mầm non, tỉnh đã có những việc làm thiết thực để nhà nước và nhân dân cùng làm, đã giải quyết cơ bản được những vấn đề bức xúc trong dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn chặt với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, nhất là thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP.
Bên cạnh đó, gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về "xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp", trọng tâm là kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, có năng lực, tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Phát biểu với hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu ra rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, tuy nhiên ông nhấn mạnh vào hai nội dung. Thứ nhất, cần đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn hệ thống chính trị. Đây không chỉ là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay mà còn là mong mỏi thực sự của mỗi giai đình.
Theo ông Trần Quốc Vượng, chúng ta đưa nhiều chủ trương rồi nhưng thực hiện chưa được nhiều. Ngay cả việc cưới, tang chúng ta đã quy định rất nhiều nhưng cũng thực hiện chưa nhiều.
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình. Giải quyết công việc phải xuất phát từ tình cảm, tình thương yêu con người. Do đó, phải phát động phong trào đoàn kết yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ.
Tại sao phải đề cao vấn đề này theo ông Trần Quốc Vượng, trong xã hội hiện nay có tình trạng xuống cấp về đạo đức, về đối xử giữa con người với con người. Phải đẩy mạnh tình yêu thương, giải quyết công việc phải xuất phát từ tình yêu như vậy xã hội mới bình yên, hạnh phúc, mọi nhà mới yên ấm được.
Nguyên Khánh