Ngày 25/4, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều cây xăng đang tạm thời đóng cửa; ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân.
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng số 412 cửa hàng xăng dầu (cây xăng). Tuy nhiên, tính tới chiều 25/4, có 111 cửa hàng xăng dầu đang dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó 33 cửa hàng đã tháo dỡ hoặc chuyển đổi công năng, 78 cửa hàng dừng hoạt động do không đáp ứng điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và Sở Công thương không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Được biết, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh tăng cường hướng dẫn về các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và đẩy nhanh tiến độ thụ lý hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục để được Sở Công thương xem xét, cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thống nhất việc yêu cầu chủ trương đầu tư đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ; tăng cường hướng dẫn cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc thực hiện thủ tục đấu nối giao thông cửa hàng bán lẻ xăng dầu vào các tuyến đường giao thông theo quy định.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo. Cụ thể, tỉnh có 5 kho xăng dầu với trữ lượng trên 66.000 m3, đảm bảo cung ứng nguồn hàng từ nửa tháng trở lên. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, Sở sẽ từng bước đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu, điều chỉnh và phát triển các cửa hàng xăng dầu phù hợp về vị trí, quy mô, kiến trúc, cấp độ công nghệ, an toàn cháy nổ, bảo vệ môi trường. Đồng thời, đảm bảo đúng định hướng phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu văn minh, hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng các quy định về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và mỹ quan đô thị; phát triển cửa hàng xăng dầu kết hợp các trạm dừng nghỉ, cửa hàng tiện ích, cửa hàng cung cấp nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải trong tương lai.
Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp di dời hoặc chuyển đổi công năng đối với các kho chứa nằm trong khu dân cư như: Kho xăng dầu Sông Bé (phường Phú Thọ, TPThủ Dầu Một); dừng hoạt động các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đảm bảo an toàn và hạn chế phát triển cửa hàng xăng dầu trong khu tập trung đông dân cư, không thuận lợi về đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị; có các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện di dời đến địa điểm mới phù hợp đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có nguy cơ mất an toàn, không phù hợp quy hoạch.