Nhiều địa phương chi vượt định mức

Lan Hương 27/08/2016 20:34

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 (niên độ tài chính-ngân sách 2014) và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước mới được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy nhiều địa phương “vung tay quá trán” trong sử dụng ngân sách.

Theo ông Đào Văn Dũng- Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước, về chi thường xuyên, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704.400 tỷ đồng, quyết toán 723.292 tỷ đồng, tăng 2,7% dự toán.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng; còn sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên hoặc bù hụt thu không đúng quy định.

Bên cạnh đó, một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương đủ theo quy định, báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương, dẫn đến Bộ Tài chính cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương 242 tỷ đồng; một số địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 215 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản công; sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt định mức về số lượng xe ô tô, chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm; còn một số địa phương mua xe ô tô không phù hợp với mục đích trang bị; điều chuyển xe ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe…

Liên quan đến kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng, ông Đào Văn Dũng cho biết, trong năm 2014, có 5/38 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ; 33 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, bảo toàn được vốn. Nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn.

Ví dụ như TCty Văn hóa Sài Gòn: Cty mẹ là 65,43 tỷ đồng, chiếm 38,68% nợ phải thu, trong đó quá hạn 3 năm 51,43 tỷ đồng; TCty Công nghiệp Sài Gòn: Cty mẹ là 19,34 tỷ đồng; Cty CP Nhựa Sài Gòn 4,49 tỷ đồng…

Một số đơn vị có nợ khó đòi lớn như: Mobifone công ty mẹ là 312,8 tỷ đồng, chiếm 30,4% nợ phải thu; Cty VNPT-Global là 14,39% (chiếm 10,3%); Hapro là 376,65 tỷ đồng (chiếm 25,7%); Vinataba-văn phòng TCty là 86,64 tỷ đồng (chiếm 4,6%); EVN với Tổng công ty điện lực miền Bắc 49,8 tỷ đồng; TCty Điện lực miền Nam 16,7 tỷ đồng; TCty Điện lực TPHCM với 34,3 tỷ đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều địa phương chi vượt định mức