Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ hàng loạt chủ đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội được ‘tạo điều kiện’ nâng tầng, điều chỉnh quy hoạch.
Có thể kể đến như, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico - đơn vị doanh nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội) và Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư Dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (chung cư Handiresco Complex).
Tại dự án này, UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật. Theo đó, điều chỉnh từ đất ở thành tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ; làm tăng tầng cao trung bình từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở; phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn tăng thêm 10.794 m2.
Cũng là một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Handico, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đã làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (Diamond Flower Tower) có nhiều vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch và xây dựng, theo Kết luận 39.
UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng có 4 lần điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định pháp luật.
Cụ thể, Hà Nội đã điều chỉnh chỉ tiêu như: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 13,4 lần; mật độ xây dựng từ 31% thành 40,05%; tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 39 tầng; chức năng từ thương mại - dịch vụ công cộng điều chỉnh thành trung tâm thương mại và dịch vụ công cộng nhà ở; dân số tăng thêm 912 người.
Doanh nghiệp được điểm tên trong hàng loạt vi phạm điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội là Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco). Doanh nghiệp này làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (Hà Nội Center Point - 27 Lê Văn Lương).
Về vi phạm, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật. Vi phạm cụ thể tại dự án Hà Nội Center Point: Điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê); mật độ xây dựng từ 26% thành 52%; nâng tầng cao từ 15 thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.
Tiếp nữa, Công ty cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1) - thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) được nhắc tên trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng khi làm chủ đầu tư Dự án Nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại (HACC1 Time Tower) có nhiều vi phạm về điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật. Điều này dẫn tới điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7,2 tầng thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% thành 59,53%, tăng thêm dân số 680 người.
Ngoài doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội nêu trên, tại tuyến đường Lê Văn Lương có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai, Tổng công ty HUD và Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam lần lượt là chủ đầu tư Sao Mai Building, HUD Tower, Golden West được Hà Nội điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật tăng tầng cao gấp 2-3 lần so với quy hoạch ban đầu.
Đáng chú ý, cũng tại khu vực đường Lê Văn Lương nhưng thuộc địa phận quận Cầu Giấy, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định một số dự án sai phạm thuộc vị trí đất quốc phòng là MB Grand Tower do Công ty cổ phần địa ốc MB làm chủ đầu tư và dự án trụ sở làm việc của Tổng công ty 319.
Trong số các dự án được thanh tra trên tuyến đường Lê Văn Lương, đơn vị chức năng cũng xác định 12 dự án không bố trí cây xanh; 2 dự án bố trí cây xanh, bãi đỗ xe nhưng với diện tích 1.000 m2, đạt tỷ lệ 10%, thiếu khoảng 1.000 m2. Đồng thời, hai dự án đầu tư bãi đỗ xe, cây xanh nhưng tại thời điểm phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, chủ đầu tư đã cho thi công sai quy hoạch.
Với các dự án vi phạm ở đường Lê Văn Lương, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng cùng UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vi phạm tồn tại được nêu trong kết luận.