Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương đã triển khai hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân. Sau các cuộc giám sát, nhiều kiến nghị của Mặt trận đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và giải quyết kịp thời.
Xác định công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn bám sát vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương để thực hiện từ khâu lựa chọn nội dung giám sát, xin ý kiến chủ trương của cấp ủy đến xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát. Công tác giám sát tập trung theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống của đông đảo người dân, được dư luận xã hội quan tâm.
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung giám sát các lĩnh vực như việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; công tác cải cách hành chính đối với người đứng đầu chính quyền và các sở, ngành...
Ở cấp huyện, xã, các nội dung giám sát cũng bám sát vào các vấn đề liên quan, tác động trực tiếp đến người dân, như công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân...
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, chỉ tính riêng năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 500 cuộc giám sát trực tiếp theo kế hoạch đề ra. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 9 cuộc giám sát trực tiếp tại 9 đơn vị; cấp huyện, tổ chức 36 cuộc giám sát tại 108 đơn vị; cấp xã tổ chức 455 cuộc giám sát. Sau giám sát, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đều có báo cáo kết quả giám sát và những kiến nghị đối với cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Qua thực tế cho thấy các ngành chức năng đã cơ bản thực hiện nghiêm túc việc giải quyết các kiến nghị.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, ông Tuấn cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Chương trình giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023.
Trong năm nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương chủ trì tổ chức 4 chuyên đề giám sát: Việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu HĐND tỉnh giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026; Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám sát người đứng đầu các sở thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện và cấp xã lựa chọn nội dung giám sát các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi của đông đảo các tầng lớp nhân dân như: Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với nhân dân...
Năm 2022, các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tổ chức giám sát 1.124 vụ việc, kiến nghị xử lý và được chính quyền và cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, giải quyết 1.095 vụ việc; tổ chức giám sát 208 dự án đầu tư của cộng đồng, đã kiến nghị và phản ánh 1 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và thông báo kết quả xử lý 3 vụ việc.