Sức khỏe

Nhiều người bị chó mèo cắn, phát bệnh dại

An Thái 20/02/2024 07:52

Chỉ trong thời gian ngắn trước và sau Tết vừa qua, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc người bị chó dại tấn công, thậm chí dẫn đến tử vong.

duoi(1).jpg
Tiêm phòng cho vật nuôi để tránh nguy cơ bệnh dại. Ảnh: Khánh Vân.

Bệnh viện Nhi trung ương thông tin, chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bệnh viện đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trong đó, trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.

Điển hình, trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang) khi đi chúc Tết nhà bà ngoại, bị một con chó bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời. Một trường hợp khác, bé gái 6 tuổi (ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi cắn vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại. Đáng nói, cả 2 con chó tấn công trẻ trong 2 vụ việc trên đều chưa được tiêm phòng dại.

Ở phía Nam, chỉ trong vài ngày vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong vì mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong đó, trường hợp bé gái 4 tuổi (quê Bình Thuận), được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ngày 14/2 trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt. Theo điều tra dịch tễ, trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt và cũng không đi tiêm ngừa. Tại bệnh viện, cháu bé có biểu hiện hoảng sợ, la hét, kích động. Bệnh nhi được điều trị tích cực, sau đó được tư vấn và cho về nhà, với chẩn đoán mắc bệnh dại nặng. Đến chiều tối 15/2, cháu bé đã không qua khỏi.

Chia sẻ từ các bác sĩ điều trị, mỗi lần tiếp nhận các trường hợp bệnh dại lại là một nỗi xót xa của các nhân viên y tế. Bởi bệnh nhân đa số ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, bị chó cắn chưa biết cách xử trí, ngại đi chích ngừa. Trong khi đó, người dân ở các vùng quê vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng dại cho vật nuôi. Đa phần, người mắc bệnh dại từ khi vào viện đến khi mất tri giác vẫn còn tỉnh táo. Nhưng sau cơn hoảng loạn tăng kích thích cực độ, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đến ngưng tim, ngưng thở đột ngột mà không thể cứu chữa.

Theo các chuyên gia y tế, vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ người dân đi lại nhiều, cộng với việc quản lý vật nuôi có phần bị buông lỏng là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn hoặc tấn công gây chấn thương. Cùng với việc vật nuôi không được chủ tiêm phòng, thì những kỳ nghỉ dài, việc tiếp cận với huyết thanh và vaccine phòng dại cũng khó khăn, làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh.

Khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương mọi người cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Cần tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất.

Trước tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm, BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC) lý giải, các loại vaccine phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vaccine cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn. Hơn nữa, vaccine thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vaccine thế hệ cũ.

Thống kê năm 2023: Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 60 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 26 tỉnh, thành phố (tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều người bị chó mèo cắn, phát bệnh dại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO