Sau những lời dụ dỗ, mời gọi hấp dẫn làm việc nhẹ, lương cao là những cái bẫy được giăng sẵn. Khi sập bẫy, nhiều lao động nhận ra mình chỉ là 'con mồi' của đường dây lừa đảo, buôn người đưa ra nước ngoài, buộc tham gia vào các công ty hoạt động phạm tội.
Đào thoát khỏi địa ngục bất thành
Một ngày giữa tháng 5/2023, chúng tôi có cuộc trò chuyện trực tiếp với chị Huỳnh N. (ngụ Phường 13, Quận 6, TP Hồ Chí Minh) để nghe những mánh lới lừa đảo việc nhẹ, lương cao từng được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều lao động sập bẫy. Theo đó, năm 2020, do đang thất nghiệp, chị N. đã lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm việc làm thì quen biết với một người phụ nữ sống tại TP Cần Thơ hứa sẽ đưa chị sang Trung Quốc đi làm tại công ty sữa chua với mức lương 18 triệu/tháng. Nhưng sau khi đồng ý và đặt chân lên khu vực biên giới Cao Bằng chị N. mới nhận ra bản thân đã trở thành “con mồi” tiếp theo của đường dây mua bán người do Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú và Thái Thị Hậu chủ mưu.
Phạm Thị Tú đóng vai trò móc nối, đưa chị N. cùng với một số phụ nữ khác đến tỉnh Cao Bằng để gặp Lương Thị Hải và lo chi phí đi sang Trung Quốc thông qua đường mòn, lối mở. Khi sang Trung Quốc, chị N. được vợ chồng Thái Thị Hậu đón về sống chung, đến ngày 31/7/2021, đối tượng Hải ép buộc chị N. phải lấy chồng Trung Quốc nhưng chị không đồng ý, sau đó bỏ trốn thì bị bắt giữ lại, đánh đập dã man, đồng thời yêu cầu gọi điện về gia đình chuyển qua số tiền 35 triệu đồng mới đồng ý cho về Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã nhận đủ 35 triệu đồng, bọn buôn người lại bán chị N. cho một người đàn ông Trung Quốc khác.
Lau giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Huỳnh N bức xúc nói: “Bọn chúng bắt tôi gọi videocall về cho gia đình, cô ruột tôi thấy mặt mũi tôi bị đánh bầm dập nên đi mượn khắp nơi chuyển khoản đủ 35 triệu cho chúng. Nhưng chúng không giữ lời hứa, lại tiếp tục bán tôi cho một người đàn ông Trung Quốc bị bại liệt. Sau khi về nhà chồng, tôi nhiều lần bỏ trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập, hăm dọa. Gia đình bên chồng nói nếu tôi muốn về Việt Nam thì phải trả số tiền 260 triệu đồng nên tôi đành ở lại. Một thời gian sau, khi thấy tôi có ý định tự tử, nên gia đình này đã đưa tôi đến Công an tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trình báo. Đến ngày 28/10/2022, tôi bị Cảnh sát Trung Quốc trục xuất về Việt Nam”.
Còn đối với chị Trần Kim T. (ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một tấn bi kịch của cuộc hôn nhân ngoại quốc, càng oan trái hơn khi hai lần rơi vào “hang ổ” của bọn buôn người. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị T. đã sang Trung Quốc làm thuê, nhưng do không có giấy tờ hợp pháp nên việc làm “chui” nơi đất khách nhanh chóng bị phát hiện, cuộc sống càng trở nên cơ cực hơn bao giờ hết. Rồi cũng vì hoàn cảnh mà chị T. đã tin vào lời hứa đầy hào nhoáng của “tú bà” buôn người Phạm Thị Tú khi được Tú mai mối gả chồng Trung Quốc với mong muốn có thể giúp gia đình vượt qua cảnh khốn cùng.
Từ mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, cô gái 19 tuổi này đã vượt biên và sống tại nhà đối tượng Thái Thị Hậu tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Sau vài ngày thì đối tượng Hậu bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc với số tiền hơn 400 triệu đồng, nhưng qua ngày hôm sau bị trả về do biết trước đó chị T. đã có chồng con tại Việt Nam. Sau khi bị trả về nhà đối tượng Hậu, chị T. đã bỏ trốn thì tiếp tục bị nhóm đối tượng bắt lại và bán cho một người đàn ông Trung Quốc khác. Những trận đòn roi từ gả chồng hờ đã một lần nữa thôi thúc chị T. phải bỏ trốn, nhưng cũng như lần trước, chị nhanh chóng bị vợ chồng Thái Thị Hậu bắt giữ rồi đánh đập dã man và ép buộc điện thoại về gia đình chuyển khoản 35 triệu đồng thì mới cho về Việt Nam.
Không khỏi kinh hoàng khi nhắc lại lần trốn chạy đó, chị Trần Kim T. chia sẻ: “Ở nhà người đàn ông Trung Quốc được khoảng 1 tuần, tôi lén lấy điện thoại gọi cho một người phụ nữ quen biết lúc làm thuê trước đây, bà ta kêu tôi gửi định vị vị trí, sẽ thuê xe đến đón rồi đưa về Việt Nam. Sau khi bỏ trốn được ra ngoài, có một xe ô tô đến chở đi. Nhưng tôi không ngờ chúng lại thông đồng với Thái Thị Hậu, chúng chở tôi về giao cho Hậu. Lúc này, Hậu gọi điện thoại cho Lương Thị Hải nói lại sự việc, Hải yêu cầu tôi đưa số tiền 35 triệu đồng thì mới cho về Việt Nam. Sau khi tôi mượn khắp nơi đủ số tiền giao cho chúng thì chúng mới thả tôi ra, còn hăm dọa là khi về Việt Nam mà trình báo Công an, tẽ cho người đến nhà “xử lý”.
Lộ diện đường dây ‘việc nhẹ, lương cao’
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau khi nhận được tin tố giác của các bị hại liên quan đến đường dây môi giới cho phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ. Qua đó xác định đây là đường dây mua bán người có quy mô lớn, liên quan nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có yếu tố nước ngoài nên đã chỉ đạo xác lập Chuyên án đấu tranh. Quá trình điều tra, Ban Chuyên án đã làm rõ được nhân thân, lai lịch, vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng trong đường dây phạm tội, đặc biệt là đã khoanh vùng, xác định được số đối tượng chủ mưu, cầm đầu”.
Theo hồ sơ, năm 2015, Lương Thị Hải (29 tuổi, quê quán xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đến khoảng năm 2020, Hải đã làm quen với Phạm Thị Tú (61 tuổi, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau đó các đối tượng cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, Phạm Thị Tú đóng vai trò trực tiếp tìm kiếm phụ nữ để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những phụ nữ này sẽ được nhận từ 90 – 100 triệu đồng.
Sau khi tìm được những “con mồi” thích hợp, Phạm Thị Tú sẽ đưa họ xuất cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới. Khi những phụ nữ đã vượt biên, Lương Thị Hải thuê Thái Thị Hậu (26 tuổi, cũng lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) tìm những đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối. Tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người phụ nữ, những đàn ông Trung Quốc sẽ trả cho Lương Thị Hải số tiền từ 300 – 400 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã tổ chức cho hàng chục phụ nữ tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc… xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Đặc biệt trong vụ án này, có một đối tượng ban đầu cũng là nạn nhân nhưng sau đó lại trực tiếp móc nối với những kẻ buôn người, trở thành mắc xích quan trọng trong đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Đó là trường hợp của Huỳnh Mộng Linh (37 tuổi, quê quán xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Năm 2019, Linh quen biết Lương Thị Hải thông qua mạng xã hội Facebook, sau đó Hải sắp xếp cho Linh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch tại biên giới, rồi bán Linh cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 200 triệu đồng. Trong khoảng thời gian sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Huỳnh Mộng Linh thường xuyên liên lạc với Lương Thị Hải và được Hải thuê làm nhiệm vụ trông coi những phụ nữ được đưa từ Việt Nam sang để chờ bán, và được Hải trả công là 10 triệu đồng/người.
Hiện tại Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá thành công đường dây mua bán người dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc, qua đó khởi tố, bắt giam 3 bị can chủ mưu, cầm đầu gồm Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú, Huỳnh Mộng Linh và khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một số bị can có liên quan, về các tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Riêng bị can Thái Thị Hậu – một mắt xích quan trọng trong đường dây, hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Một cán bộ điều tra của Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ thêm: Những vụ mua bán người nằm trong đường dây buôn bán người hầu hết diễn ra tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, thậm chí tại Trung Quốc, nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ có đôi lúc tưởng chừng đi vào bế tắc nhưng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của người dân, từng thành viên Ban Chuyên án đã vượt qua khó khăn, đến nay công tác đấu tranh chuyên án đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Những câu chuyện đau lòng, nỗi tủi nhục, những trận đòn roi ‘thừa sống, thiếu chết’ là lời cảnh tỉnh trước mánh lới, việc nhẹ, lương cao khiến nhiều lao động sập bẫy đường dây lừa đảo, buôn người, một lần nữa cảnh báo người dân cẩn trọng trước những lời dụ dỗ việc nhẹ thu nhập nghìn USD nơi đất khách người dân cần hết sức cảnh giác...