Ngày 16/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam ghi nhận có 224 vụ bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu Việt Nam phải kể đến Hoa Kỳ (43 vụ), Asean (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ),... Với thị trường EU, số lượng vụ việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có giảm so với trước, 14 vụ.
Cũng theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, giai đoạn 2005 – 2010 có 26 vụ, giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ, giai đoạn 2016 – 2021 lên đến 109 vụ. Riêng tháng 11, có đến 16 vụ phòng vệ thương mại.
Trong các vụ việc của năm 2022, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng. Kết quả tích cực khi nhiều vụ việc, nhiều mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp. Đơn cử, mặt hàng tôm, các tra, basa, một số sản phẩm thép, mật ong,... góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Theo ông Chu Thắng Trung, đối với các vụ việc bị nước ngoài cảnh báo áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đưa ra những bằng chứng xác đáng để không bị áp thuế cao ảnh hưởng đến xuất khẩu.
“Cạnh tranh gay gắt trong hoạt động xuất khẩu đang trở thành “ngòi nổ” cho phòng vệ thương mại ngày càng tăng cao hơn trước. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung”, ông Trung cảnh báo.
Trong khi các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam cũng đã xây dựng “hàng rào” bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 22 vụ việc, trong đó có 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp.