Nhiều 'sạn' trong Bộ luật Hình sự 2015

Lê Anh Đức 01/06/2016 10:15

Tròn 1 tháng nữa là Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, song các chuyên gia luật và luật sư lại phát hiện ra rất nhiều lỗi nghiêm trọng có thể là kẽ hở để những người thực thi pháp luật lợi dụng lách luật, dễ gây oan, sai, đồng thời bỏ lọt tội phạm. Nếu không tổng rà soát để kịp thời phát hiện và sửa chữa những lỗi kiểu như vậy trong luật thì hậu quả là khôn lường.

Tội nhẹ đi tù, tội nặng thoát

Trao đổi với phóng viên, LS Nguyễn Văn Sơn khẳng định, ngoài các Điều 249, 250, 252 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có sự “tua lại” tình tiết định khung hình phạt, thì Bộ luật này còn một số lỗi nghiêm trọng khác nữa dẫn đến việc thích xử thế nào cũng được. Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 BLHS 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội được liệt kê: Tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, cưỡng dâm...

Với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự với các tội: Tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại một trong các điều: Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép)...

Như vậy đồng nghĩa với việc các loại tội phạm khác không được nhắc đến tại Điều 12 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có những hành vi phạm tội thực sự gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, như: Tội cản trở giao thông đường không (Điều 278), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 282)... Còn khá nhiều tội phạm mà mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, song lại không nằm trong “list” nên những người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi lứa tuổi này lại phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội “cỏn con”: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản (Điều 178)...

“Bỏ quên” hành vi của tội danh

Theo LS Bùi Đình Ứng, định nghĩa tại Khoản 1, Điều 14 BLHS 2015 rất cụ thể: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109; Điểm a, Khoản 2, Điều 113; hoặc Điểm a, Khoản 2, Điều 299 của Bộ luật này”. Song, ngay tại Khoản 2 của điều luật lại quy định: Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự: Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 324 (tội rửa tiền)...

Việc đưa ra danh sách các tội phải chịu trách nhiệm hình sự ở Khoản 2, Điều 14 cũng có nghĩa là nhiều loại tội phạm khác sẽ “thoát” vì không được liệt kê, như: Chuẩn bị phạm tội tham ô tài sản, Chuẩn bị phạm tội đưa - nhận hối lộ... Như vậy là có sự mâu thuẫn giữa Khoản 2 với Khoản 1, Điều 14 BLHS 2015. Các cơ quan thực hiện tố tụng có thể quy tội cho một người nào đó (theo Khoản 1), hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho người có hành vi chuẩn bị phạm tội nhưng không nằm trong “danh sách đen” (theo Khoản 2).

Đặc biệt, tại tên gọi của Điều 337, BLHS 2015 là “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước”. Trong điều luật này quy định tới 2 tội với 4 hành vi phạm tội: Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. Song, ngay tại Khoản 1, Điều 337 lại chỉ quy định 2 hành vi (cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước), mà “bỏ quên” mất 2 hành vi phạm tội còn lại là: Chiếm đoạt và tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. “Vậy thì những người có hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?” - LS Ứng đặt câu hỏi.

Chỉ thiếu một chữ “dưới”

Liên quan đến việc “nhặt sạn” cho BLHS 2015 vừa ra đời còn chưa đi vào cuộc sống, LS Phan Tiến Thành chỉ ra: Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 233 BLHS 2015 quy định rằng, người nào cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500m2 đến dưới 17.000m2 đối với rừng sản xuất; từ 10.000m2 đến 15.000m2 đối với rừng phòng hộ; hoặc từ 7.500m2 đến 12.000m2 đối với rừng đặc dụng thì bị phạt tù 2-7 năm tù. Nhưng, tại Điểm b, Khoản 3 của điều này lại quy định: Người nào cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000m2 trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000m2 trở lên đối với rừng phòng hộ; hoặc từ 12.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng thì bị phạt 5-12 năm tù.

Căn cứ theo quy định của Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 233 BLHS 2015 thì một người cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật vừa đúng 15.000m2 đối với rừng phòng hộ; hay vừa đúng 12.000m2 đối với rừng đặc dụng thì các cơ quan tố tụng có thể tùy ý khép họ vào Khoản 2 hoặc Khoản 3, Điều 233 BLHS, bởi “xử” Khoản 2 hay Khoản 3 đều đúng. “Sở dĩ như vậy là vì tại Khoản 2, Điều 233 BLHS 2015 thiếu một chữ dưới ở 2 chỗ (ở trước con số 15.000m2 rừng phòng hộ và ở trước con số 12.000m2 rừng đặc dụng). Do vậy mới bị lọt 2 con số tròn (15.000m2 đối với rừng phòng hộ và 12.000m2 đối với rừng đặc dụng) giữa 2 khoản của điều luật...” - LS Thành phân tích.

Còn nữa, tại Điều 304 BLHS quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì tại Điểm b, Khoản 2 quy định: Người nào phạm tội mà vật phạm pháp có số lượng từ 10kg đến 30kg thuốc nổ các loại sẽ bị phạt tù 5-12 năm. Trong khi đó, Khoản 3 có mức án 10-15 năm tù thì quy định: Vật phạm pháp có số lượng từ trên 31kg đến 100 kg thuốc nổ các loại. “Thế nếu vật phạm pháp có số lượng từ trên 30kg đến đúng 31kg thuốc nổ các loại thì sẽ phải xử kiểu gì? Không lẽ truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2’?...” - LS Thành đặt câu hỏi.

Còn rất nhiều lỗi tương tự tại các điều luật khác của BLHS 2015 mà trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết (Điều 305, Điều 370...). Hy vọng những lỗi sai sót như trên cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, sửa đổi kịp thời để tránh những người thực thi công vụ lạm quyền, lách luật, gây oan sai cho người vô tội, đồng thời bỏ lọt tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều 'sạn' trong Bộ luật Hình sự 2015