Pháp luật

Nhiều thách thức đối với hành nghề luật sư trong giai đoạn hiện nay

TRUNG HẬU 16/08/2024 14:38

Ngày 16/8, Trường Đại học Luật TPHCM và Đoàn Luật sư TPHCM đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.

chu-toa-cua-hoi-thao(1).jpg
Chủ tọa chủ trì Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.

Tại Hội thảo, TS Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM cho biết, trước nhiều thách thức đang đặt ra đối với hành nghề luật sư ở trong nước, từ nhu cầu phát sinh của thực tiễn, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các Đoàn Luật sư trên cả nước.

Theo TS Lê Trường Sơn, về cơ bản Đề cương đã đưa ra được khung khổ pháp lý ở nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về luật sư. Song, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về Đề cương và còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư.

ts.ls.-phan-trung-hoai-phat-bieu-tai-hoi-thao.jpg
Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Liên quan vấn đề này, Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, nghề luật có những khác biệt với những nghề liên quan đến pháp luật không chỉ ở chức năng theo sự phân công của xã hội, mà còn ở chỗ nó được thể hiện qua các phương thức hành nghề một cách độc lập.

Nghề luật sư còn mang tính chất dịch vụ - tính chất dịch vụ của nghề luật sư là một loại dịch vụ đặc biệt, khác với quan niệm về dịch vụ thông thường như dịch vụ thương mại, thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng dịch vụ.

"Về mặt lý luận, cần xem xét địa vị pháp lý của luật sư một cách toàn diện và rộng hơn so với quan niệm xem xét vai trò theo chức năng và phạm vi hành nghề của luật sư", Luật sư Phan Trung Hoài góp ý.

Dựa trên góc nhìn của một luật sư trải qua một số vị trí công tác trong hoạt động luật sư, Luật sư Nguyễn Thế Phong đã có những góp ý về bố cục Luật Luật sư (sửa đổi) như: nên ban hành một Luật mới, thay thế luật cũ cho thuận lợi về kỹ thuật lập pháp, lập quy.

Về vấn đề tiêu chuẩn luật sư, luật sư này cho rằng, nên bổ sung tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị” vào tiêu chuẩn luật sư, bởi lẽ một cá nhân khi gia nhập Đoàn Luật sư để trở thành thành viên với tư cách Luật sư hoặc Luật sư tập sự (như định hướng) thì Đoàn luật sư chỉ cần kiểm tra về văn bằng, chứng chỉ và xác nhận của chính quyền địa phương về việc chấp hành pháp luật, đạo đức lối sống nơi cư trú là phù hợp.

Theo nhóm chuyên gia tại Trường Đại học Luật TPHCM, hiện nay cả nước có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư. Do đó, việc sửa đổi Luật Luật sư hiện hành trong bối cảnh tổ chức hành nghề luật sư, cùng với sự ra đời của nhiều Nghị Quyết, văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà Nước liên quan đến chủ thể này là đặc biệt cấp thiết.

Tại hội thảo, các chuyên gia, luật sư đã dành nhiều thời gian đóng góp, xây dựng một cách tâm huyết các ý kiến, nêu cao trách nhiệm trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư. Nhiều ý kiến đã nêu cụ thể, chi tiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nghề Luật sư đã được Ban Tổ chức đúc kết để gửi góp ý đến các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều thách thức đối với hành nghề luật sư trong giai đoạn hiện nay