Kỹ thuật chẩn đoán trước sinh ở Việt Nam như di truyền phân tử, giải mã trình tự gene... ngày càng tiệm cận được trình độ trong khu vực và thế giới. Đây là những thông tin được đưa ra bên lề Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp lần thứ 22, do Bệnh viện Phụ sản trung ương phối hợp với Hội sản phụ khoa Việt Pháp vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp là một diễn đàn khoa học thường niên có uy tín để cập nhật, chia sẻ các kiến thức khoa học, và kinh nghiệm lâm sàng, cũng như các tiến bộ về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh... Hội nghị lần này đã giới thiệu một số thành tựu của lĩnh vực sản phụ khoa Việt Nam như nuôi sống trẻ sơ sinh dưới 500gr, chẩn đoán trước sinh phát hiện sớm dị tật thai nhi, ứng dụng kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản, thực hiện phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn, một số phương pháp sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung…
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, trong 5 năm, bệnh viện chọc ối 11.000 ca, tỷ lệ biến chứng rất thấp, trong khi đó phát hiện nhiều dị tật thai nhi hơn những năm trước.
Ông Cường chia sẻ thêm, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh ở Việt Nam như di truyền phân tử, giải mã trình tự gene... ngày càng tiệm cận được trình độ trong khu vực và thế giới. Nhiều bất thường, dị tật hình thái lớn của hệ thống thần kinh, cơ xương khớp, lồng ngực, tim, cơ hoành, thành bụng, rốn, ruột,… phát hiện từ 12-18 tuần thai bằng siêu âm. Có những dị tật tinh vi hơn ở tim, thận tiến triển muộn hơn cũng được phát hiện. Trong số hơn 11.000 ca chọc ối, tỷ lệ biến chứng rất thấp, chỉ dưới 0,4% gồm cả biến chứng đau hay rỉ ít máu, còn biến chứng mất em bé là không có. Đáng nói, tỷ lệ dị tật được phát hiện tăng lên nhiều.
Về băn khoăn của nhiều sản phụ, rằng trường hợp nào thai phụ cần có chỉ định chọc ối? Theo ông Cường, tất cả các thai phụ phát hiện bất thường hình thái dù nhỏ nhất bằng mọi biện pháp sàng lọc (huyết thanh, ADN tự do hay siêu âm) cho kết quả có nguy cơ cao, đều có chỉ định lấy nước ối. Điều này nhằm tìm hiểu bất thường có phải nguyên nhân do di truyền không? Những bệnh lý đó có tồn tại, chữa được không và khi em bé chào đời có ảnh hưởng sức khoẻ, sinh hoạt của trẻ? Những trường hợp này cần được tư vấn, chỉ định cụ thể.
Trước đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trung ương đã nuôi sống thành công cặp song sinh nặng 500g, chào đời ở tuần thai thứ 25. Trên thực tế, bệnh viện đã từng nuôi dưỡng thành công những trẻ sơ sinh chỉ nặng 400g-600g, nhưng đây là cặp song sinh đầu tiên chỉ nặng 500g nuôi sống được thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc của việc chăm sóc trẻ non tháng thấp cân. Để đạt được các thành công trên, Trung Tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản trung ương đã ứng dụng thành công các kỹ thuật, biện pháp trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non tại Trung tâm như Hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp: Thở máy, bơm sunfantan, thở CPAP, ô xy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da…
PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, từ thành công về kỹ năng, chuyên môn chăm sóc trẻ non tháng cũng như trẻ bị bệnh lý của các y bác sĩ tại Trung tâm, điều rất mừng là các bác sĩ không chỉ giúp các gia đình hiếm muộn, khó khăn có thai, được làm bố mẹ, mà còn nuôi sống nhiều trường hợp khó, bệnh lý...