Dù ngành bất động sản (BĐS) đang khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì nhu cầu sở hữu và ở thực của người dân luôn hiện hữu.
Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam - VRES 2023 vừa được tổ chức ngày 14/12 tại TP HCM, ông Bạch Dương, đại diện Ban tổ chức cho rằng, khó khăn cũng tạo động lực để các chủ đầu tư linh hoạt thích ứng, cơ cấu doanh nghiệp và sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Đây cũng là cơ hội cho công nghệ bất động sản (Proptech) được cải tiến và nâng cao vai trò để có những đóng góp lớn hơn cho ngành BĐS Việt Nam.
Theo ông Bạch Dương, Proptech ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hành trình mua bán BĐS của người Việt Nam. Báo cáo về tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) cho thấy, có đến 78% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng kênh thông tin BĐS trực tuyến, 36% sử dụng các công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), 20% sử dụng ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ, và 10% trong số họ xem mô phỏng BĐS qua hình ảnh mô phỏng (thực tế tăng cường – AR, thực tế ảo – VR).
Bàn về xu thế phát triển Proptech, ông Bạch Dương cho biết, hiện nay đang có các xu hướng chính là sử dụng dữ liệu lớn trong nghiên cứu thị trường BĐS và đưa ra chiến lược kinh doanh; ứng dụng các công cụ thông minh trong quản lý và vận hành BĐS; số hóa ở doanh nghiệp BĐS truyền thống; và ứng dụng công nghệ hỗ trợ môi giới và bán BĐS. Những xu hướng Proptech này sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển minh bạch, bền vững của thị trường địa ốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2023 đã xuất hiện các động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước. Cụ thể, trong chu kỳ từ năm 2008 – 2012, tồn kho BĐS tăng liên tiếp, cho tới năm 2013, tín hiệu đảo chiều thị trường xuất hiện khi tín dụng được nới lỏng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua để hỗ trợ cho thị trường địa ốc.
Ở thời điểm hiện tại, về mặt lãi suất, từ đầu 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và 4 lần hạ lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng đã giảm mạnh 3% - 5% lãi suất huy động so với đầu năm. Về mặt tăng trưởng tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2023 là 14% đến 15% so với 14% của 2022.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được đã thông qua tháng 11/2023, và có hiệu lực từ đầu 2025. Thị trường BĐS cũng hưởng lợi từ các động thái của Chính phủ như quyết định thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, gói hỗ trợ 2% lãi suất (tương đương 40 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Nhiều chính sách tích cực được ban hành như: Nghị định 08 và Dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết 33 thúc đẩy thị trường BĐS lành mạnh, bền vững; Nghị định 10 về hướng dẫn thi hành Luật đất đai, tháo gỡ cho BĐS nghỉ dưỡng;…
“Điểm đảo chiều của thị trường BĐS có thể xuất hiện từ quý 2 đến quý 4/2024. Sau đó thị trường bước sẽ vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định, ông Quốc Anh dự báo.