"Giá dịch vụ kiểm định được ban hành cách đây đã 10 năm lúc đó vẫn chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định bị hỏng mất..., gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các Trung tâm Đăng kiểm", ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.
Thu không đủ bù chi
Nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định vào các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, Sở GTVT các tỉnh, Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa và đề nghị sớm điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ những vướng mắc với lĩnh vực đăng kiểm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) đang bị Cơ quan Công an các địa phương điều tra, xác minh nên trong thời gian tới có thể sẽ có thêm các lãnh đạo và đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố, thậm chí cũng vẫn có thể bị tạm giam, nên số lượng các ĐKV trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục thiếu hụt và khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân sẽ bị sụt giảm. Bên cạnh đó, khi các ĐKV bị đưa ra xét xử cũng sẽ tạo tâm lý bất ổn, áp lực cho những ĐKV khác đang làm việc, dẫn đến năng suất, hiệu suất kiểm định bị suy giảm.
"Hiện nay, vẫn còn tồn tại tâm lý bất ổn, lo sợ ở hầu hết các ĐKV và TTĐK (kể cả đã bị khởi tố hoặc không bị khởi tố); đây cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hiệu suất, năng suất làm việc của các ĐKV, các TTĐK và cả hệ thống đăng kiểm, thậm chí còn góp phần cho việc gia tăng nguy cơ bị ùn tắc phương tiện vào kiểm định", ông An cho hay.
Cũng theo ông An hiện nay, nguồn thu của các TTĐK bị sụt giảm do một lượng lớn các phương tiện được miễm kiểm định lần đầu, kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định (Thông tư số 02/2023/TT- BGTVT), được áp dụng gia hạn tự động ngay chu kỳ kiểm định mới mà không phải đưa xe đến kiểm định (Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT).
"Trong khi đó giá dịch vụ kiểm định hiện tại được ban hành cách đây đã 10 năm, chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định bị hỏng mất..., gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các TTĐK, nhiều TTĐK nguồn thu không đủ bù đắp chi phí", ông An Khẳng định.
Theo báo cáo của các Sở GTVT, hiện nay chi phí cho kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra của TTĐK rất nhiều và không đồng nhất cho việc chi trả tiền kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra (việc này trước đây do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện và thu giá theo quy định tại Thông tư số 238/2016/TT-BGTVT chỉ có 450.000 VNĐ/1 thiết bị).
Trong khi giá kiểm định thiết bị đo phân tích khí xả của các đơn vị kiểm định được chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định tại văn bản thông báo số 2601/TĐC-ĐL ngày 16/8/2023 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thu giá không đồng nhất từ 8.000.000 - 11.500.000 VNĐ/1 thiết bị. Hoặc như thước đo khi mua chỉ có giá 300.000 VNĐ/ 1 thước đo nhưng giá kiểm định từ 800.000 - 1.500.000 VNĐ/1 thước đo 20m, 750.000VNĐ/01 thước đo 5m.
Mặt khác, các đơn vị kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ, thiết bị đo nhóm 2 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cung cấp vừa không có thể trực tiếp đến TTĐK để thực hiện, vừa không có khả năng thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn được hết tất cả các thiết bị, dụng cụ đo (có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định hiệu chuẩn 1 thiết bị, có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định được 1 thiết bị và 1 dụng cụ), vừa không có mật khẩu và thiết bị giải mã để mở vào các phần mềm của thiết bị kiểm tra để phục vụ cho việc kiểm định, hiệu chuẩn (mật khẩu và thiết bị giải mã này chỉ có nhà cung cấp thiết bị mới có).
Bên cạnh đó, chi phí cho việc sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, một số TTĐK phải sửa chữa lại cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, mặt bằng xưởng kiểm định, khu vực kiểm tra) và đầu tư một số dụng cụ kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra do trước đây chưa làm đúng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về đơn vị đăng kiểm; máy móc, thiết bị chưa được quan tâm, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tăng phí đăng kiểm từ 100 - 200 nghìn đồng không bằng thiệt hại kinh tế do ùn tắc đăng kiểm
Chia sẻ về hoạt động đăng kiểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất cần nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới bởi giá dịch vụ kiểm định hiện nay đã ban hành được 10 năm, các chi phí cấu thành lên giá đã thay đổi rất nhiều.
"Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực để gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định", ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, với mức phí tăng từ 100 – 200 nghìn đồng tuỳ từng phương tiện, người dân và doanh nghiệp rất ủng hộ bởi so với thiệt hại về kinh tế khi phải chờ đợi kiểm định do ùn tắc thì mức tăng này rất nhỏ.
Lý giải về việc chưa điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Chính phủ.
Theo ông Bình, trong lúc chờ ban hành giá dịch vụ kiểm định mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định để sớm được ban.
"Để xây dựng mức giá mới phải dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật của đăng kiểm xe cơ giới, song hiện nay, chưa có các định mức này", ông Bình nêu ra khó khăn.
Theo ông Bình, nếu Chính phủ đồng ý sửa Nghị định thì nhanh nhất cũng phải sang năm 2024 mới có thể ban hành giá dịch vụ kiểm định mới do các thủ tục triển khai mất rất nhiều thời gian.
Trường hợp đến tháng 12/2023 nếu Chính phủ không phản hồi, sẽ xoay phương án nghiên cứu xây dựng thông tư ban hành giá dịch vụ kiểm định theo Luật Giá mới ban hành.