Giáo dục

Nhiều trường đại học mở ngành vi mạch bán dẫn

Nguyễn Hoài 26/01/2024 13:39

Trong đề án tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học dự kiến mở ngành đào tạo về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, trường dự kiến tuyển hơn 3.900 chỉ tiêu, tăng 10% so với năm 2023, theo 6 phương thức xét tuyển.

Trường dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và thế giới.

W_z4467661880696_35f41a54e903e0bfe5a1e51af030c587.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Năm học 2024-2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH – Trường Đại học Việt Pháp) bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Các phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn; xét tuyển thẳng theo đề án của trường; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT cho các ngành đào tạo về khoa học – công nghệ.

Trong đề án tuyển sinh năm 2024 mới công bố, Trường Đại học Phenikaa dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07.

Năm 2024, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng mở các ngành đào tạo mới, trong đó có các ngành công nghệ cao như Thiết kế vi mạch - Chip bán dẫn.

chuyen-nganh-vi-dien-tu-thiet-ke-vi-mach-nganh-dien-tu-vien-thong_1.png
3 trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng mở các ngành đào tạo mới, trong đó có Thiết kế vi mạch. Ảnh: website Đại học Đà Nẵng.

Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) mở 2 chuyên ngành: Công nghệ Ô tô điện thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng - VKU) mở 4 chuyên ngành: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mở chuyên ngành Vi điện tử-Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông).

Trước xu thế mở ngành và cơ hội việc làm của ngành bán dẫn trong tương lai, nhiều thí sinh đang có nguyện vọng lựa chọn ngành học này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thí sinh thường có tâm lý chạy theo cái mới.

TS Khuyến nhắc lại mùa tuyển sinh cách đây vài năm, thời điểm “rộ” ngành logistics, nhiều thí sinh đổ xô đăng ký nguyện vọng vào ngành học này, kể cả ở những trường đào tạo không phải là thế mạnh.

Về ngành vi mạch bán dẫn, theo chuyên gia, đây là ngành chuyên sâu, đòi hỏi các trường phải đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có chuyên môn. Việc đào tạo chuyên ngành này ở bậc đại học chỉ là kiến thức cơ bản.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, thí sinh muốn có cơ hội việc làm trong tương lai ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn có thể lựa chọn ngành học cơ bản liên quan tới Hóa, Vật lý kỹ thuật, Vi điện tử, Điện tử viễn thông… Sau đó các em có thể học thêm, vừa học vừa làm…

“Thí sinh không nên nóng vội, chạy theo mốt. Các em cần tập trung vào năng lực bản thân từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề và trường đại học có thể đáp ứng tốt nhất”, TS Lê Viết Khuyến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trường đại học mở ngành vi mạch bán dẫn