Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã bắt đầu có những phương án tuyển sinh của riêng mình. Trong số đó, nhiều trường chọn lựa hình thức xét tuyển thi bổ sung, thi năng khiếu, phỏng vấn... với mục đích tuyển chọn được những thí sinh ưu tú nhất, bên cạnh tổ hợp điểm thi tốt nghiệp.
Ảnh minh họa.
Mặc dù có nhiều cải cách trong quy chế tuyển sinh năm 2016 nhưng kỳ thi tốt nghiệp quốc gia nhìn chung chưa mang lại sự an tâm cho nhiều trường ĐH, CĐ. Các trường này buộc phải có phương án tổ chức thêm một kỳ đánh giá chất lượng thí sinh khác, dù khá tốn kém, để có được đầu vào đúng chất lượng mong muốn.
Một lãnh đạo trường ĐH Luật TP HCM, đơn vị có tổ chức bài thi năng lực một số ngành cho biết, nếu chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp phổ thông sẽ “bỏ lọt” nhiều thí sinh, hoặc ngược lại, nhiều thí sinh không phù hợp với các ngành luật lại được xét tuyển. Vì thế, lựa chọn thêm một bài thi năng lực là lựa chọn không thể khác. Ngoài trường ĐH Luật TP HCM, trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết cũng sẽ tổ chức các cuộc thi năng khiếu tùy theo từng ngành nhất định để phục vụ việc xét tuyển trong kỳ tuyển sinh 2016 này, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp chung cho các thi sinh có nguyện vọng vào trường này.
Tương tự, một số ngành y, dược của các trường trên địa bàn TP HCM cũng sẽ tổ chức thêm một kỳ thi phỏng vấn trực tiếp hoặc bài kiểm tra trắc nghiệm nhằm đánh giá năng lực và phân loại các thí sinh xét tuyển. Ngoài ra, rất nhiều trường khác cũng có kế hoạch sử dụng các tiêu chí phụ như điểm học bạ 3 năm phổ thông, điểm năng khiếu (của một môn thi bất kỳ trong kỳ thi tốt nghiệp) nhằm tuyển chọn, phân loại các thí sinh. Nhiều ngành như báo chí, kinh tế, khoa học, công nghệ thông tin, nghệ thuật… của các trường ĐH, CĐ danh tiếng cũng có những tiêu chí khác để xét tuyển, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp quốc gia.
Theo một lãnh đạo trường ĐH thì việc các trường phải có thêm các tiêu chí xét tuyển bên cạnh diểm thi chung là do điểm số của kỳ thi chung không phản ánh chuyên sâu năng lực của các thí sinh, nhất là với các ngành nghề đặc thù.
Một chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng cho biết, việc tổ chức thi tốt nghiệp chung có ưu điểm là đánh giá, phân loại được các thí sinh xét tuyển tốt nghiệp phổ thông nhưng với các thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ thì lại chưa tốt. Đặc biệt, với các trường, các ngành có tính chuyên ngành, đặc thù thì rất khó để phân loại. Vì thế, xu thế chung là các trường phải tổ chức thi riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào được tốt hơn. Trước, chỉ có những trường thuộc tốp trên, có quá nhiều hồ sơ dự tuyển mới có thêm một kỳ đánh giá bên cạnh điểm thi chung thì đợt tuyển sinh 2016 này, rất nhiều trường thuộc tốp trung bình cũng có thêm các tiêu chí phụ. Thậm chí, nhiều trường ở trong tình trạng “khát” thí sinh vẫn dự kiến có thêm kỳ thi riêng.
Vẫn biết, việc tổ chức một kỳ thì chung đã giúp giảm rất nhiều các chi phí cho phụ huynh học sinh nhưng thực tế, việc hàng chục các trường ĐH, CĐ buộc phải tổ chức thêm các kỳ thi riêng cho thấy, kỳ thi chung chưa đáp ứng được nhu cầu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.