Trong quá trình thi công dự án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Bắc Giang ở Thanh Hóa đã khai thác vượt độ sâu, sai biện pháp thi công và để xảy ra nhiều hệ lụy về môi trường.
Ngày 25/9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 11541 chấp thuận phương án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Hà Trung của Công ty TNHH Bắc Giang (DN Bắc Giang). Mục tiêu của dự án này là phục vụ thoát lũ, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, DN Bắc Giang được giao làm nhà đầu tư, tự bỏ vốn thực hiện phương án và được thu hồi đất để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch nung.
Cụ thể, về phạm vi nạo vét là từ K0+242 (xã Hà Tiến) đến K6+963 (xã Hà Bắc). Chiều rộng nạo vét từ 60-140m, phạm vi nạo vét cách chân đê từ 50-75m; chiều sâu nạo vét từ 0,6-2,25m. Phương án thi công sẽ thực hiện đào đất bằng xúc đào 1,6m3, máy ủi 110CV, máy đầm 25 tấn, vận chuyển bằng ô tô 10 tấn. Khối lượng đất bùn hữu cơ là 148.737m3; khối lượng đất đào thu hồi phục vụ sản xuất gạch là 564.083m3. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021.
Sau 3 năm triển khai, tiến độ dự án chậm chạp và ì ạch, không thể hoàn thành đúng tiến độ nên đến ngày 8/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, cho phép triển khai thi công đồng loạt từ K1+987 - K2+068,5 thuộc địa phận xã Hà Tiến.
Sau khi được gia hạn, để tiếp tục thi công, DN Bắc Giang đã huy động một lượng lớn máy móc, thiết bị tiến hành nạo vét lòng sông Hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị này nhận được rất nhiều phản ánh từ người dân như: Số lượng xe ra vào quá nhiều đã làm rơi vãi bùn, đất, trên tuyến tỉnh lộ 523, tường rào nhà dân bị bụi bám dày đặc. Ngoài ra, dù chỉ được vận chuyển bằng ô tô 10 tấn, nhưng DN Bắc Giang lại thường xuyên sử dụng ô tô tải từ 15 - 20 tấn để đưa đất từ dự án về tiêu thụ tại nhà máy gạch. Nghiêm trọng hơn, tại hiện trường, nhiều vị trí nạo vét có độ sâu lên tới 4m (gấp trên 2 lần so với quy định).
Ngày 28/4 vừa qua, Đoàn kiểm tra của UBND huyện Hà Trung đã tiến hành thực địa và làm rõ vi phạm tại dự án này. Theo biên bản hiện trường, đơn vị đang thi công ô số 13-14 (cọc số 9-10) và có 2 máy đào tập trung. Chiều sâu nạo vét trung bình đã lên tới 4,2-4,7m trong phạm vi 2.000m2.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Hà Trung cho biết: Dự án nạo vét sông Hoạt do DN Bắc Giang làm chủ đầu tư, đơn vị tự bỏ vốn để thực hiện. Qua kiểm tra, đơn vị này đã nạo vét độ sâu hơn 4,2m là quá mức quy định.
Ngày 2/6, Đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cũng đã trực tiếp kiểm tra tại dự án này. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng, những phản ánh của người dân về tình trạng xe quá tải, ô nhiễm môi trường, nạo vét vượt quá độ sâu là đúng thực tế. Đồng thời yêu cầu DN Bắc Giang phải nghiêm túc chấp hành thi công theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, nếu có vướng mắc phải báo cáo để điều chỉnh phương án. Đối với khối lượng đất đào quá độ sâu, yêu cầu DN Bắc Giang thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Hà Trung giám sát quá trình thi công của Công ty TNHH Bắc Giang, nếu phát hiện vi phạm phải báo cáo ngay để kiên quyết dừng thi công, xử lý theo quy định của pháp luật. Về phía Công ty TNHH Bắc Giang, đơn vị phải phải đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, khi thi công phải có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân ở mức thấp nhất. Ngoài ra, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong vấn đề tai nạn đuối nước từ những khu vực đã nạo vét.