Theo Bộ LĐTB&XH;, chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp điện tử”, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tiến hành thanh tra 216 doanh nghiệp, qua đó phát hiện 1.794 sai phạm, xử phạt hành chính hơn 1,4 tỷ đồng.
Hoạt động thanh tra tập trung 6 nội dung trọng điểm: Giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động. Theo kế hoạch thực hiện chiến dịch, số lượng doanh nghiệp (DN) điện tử được thanh tra, kiểm tra, giám sát là 500 DN. Tuy nhiên báo cáo tổng kết thực hiện chiến dịch thanh tra của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tổng số DN điện tử được thanh tra và phát phiếu tự kiểm tra là 369 DN.
Như vậy, số lượng các DN điện tử được thanh tra, giám sát chưa đạt kế hoạch đề ra. Các địa phương triển khai tốt hoạt động thanh tra và phát phiếu tự kiểm tra là: Bình Dương (thanh tra 33 DN, phát 29 phiếu), TPHCM (thanh tra 24 DN, phát 20 phiếu), Vĩnh Phúc (thanh tra 17 DN, phát 51 phiếu), Hà Nội (thanh tra 26 DN). Tuy nhiên, có một số địa phương có nhiều DN điện tử nhưng số lượng DN được thanh tra còn ít: Hải Dương (thanh tra 1 DN và phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra 5 DN), Hưng Yên (không thanh tra DN, chỉ phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra 6 DN).
Việc số lượng DN điện tử cần thanh tra, giám sát không đạt kế hoạch theo Thanh tra Bộ LĐTB&XH do các DN điện tử phân bố chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM với số lượng lớn, trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động tại các tỉnh, thành phố kể trên không nhiều (trừ TPHCM), do đó thanh tra Sở không thể thực hiện thanh tra được hết các DN điện tử tại địa phương…
Về kết quả thanh tra, báo cáo cho biết, qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm, bình quân 8,3 sai phạm/DN. Đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 DN và báo cáo người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền xử phạt hành chính là 1.418,2 triệu đồng, trong đó trung ương xử phạt 401,5 triệu đồng, các địa phương xử phạt 1.016,7 triệu đồng.
Sai phạm thường gặp tại các DN gồm: Nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (132 DN); không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần (92 DN); huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định (130 DN)…
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Bộ kiến nghị cần phải rà soát bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lao động để loại bỏ những quy định chồng chéo, bất cập và cụ thể hóa các nội dung còn chưa rõ, gây nhiều cách hiểu khác nhau. Đồng thời phải có đề án nghiên cứu sâu, tổng thể về các yếu tố có hại trong nghề sản xuất, lắp ráp điện tử: các yếu tố bức xạ điện tử trường; bụi, hơi khí độc...; các hóa chất như axit, kiềm, khí đông lạnh, xyanua, chất phụ gia, chất oxy hóa, nhựa, dung môi chất bán dẫn, hạt nano...; yếu tố sinh lý lao động, với các tư thế làm việc tĩnh tại đứng hoặc ngồi trong dây chuyền lắp ráp với cường độ cao cùng các chi tiết nhỏ, màn hình, âm thanh yêu cầu độ chính xác…Và ảnh hưởng của các yếu tố này đến các bệnh như: giảm thị giác, thính giác, căng thẳng thần kinh, viêm da, bệnh tuyến giáp, rối loạn, co cứng cơ bắp, dị ứng, hen suyễn, dị tật bẩm sinh và một số bệnh ung thư. Từ đó có các biện pháp để giảm thiểu tác hại của các yếu tố đó, bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp, cũng như hỗ trợ, động viên kịp thời người lao động.