Nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Mạnh dạn để không đổi mới nửa vời

Nguyễn Quốc Trường (Giáo viên THPT) 12/07/2015 11:00

Gộp 2 kỳ thi làm 1, công bằng mà nói Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có những đổi mới rõ rệt trong công tác thi cử. Nhưng theo tôi đó mới chỉ đổi mới được 50%. Tại sao ta không mạnh dạn bỏ hẳn mục đích thi để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT, việc công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 chỉ cần bằng kết quả học tập, để đạt được sự “đổi mới căn bản và toàn diện”.

Ảnh minh họa

Mấy hôm nay, theo dõi báo chí thấy có nhiều ý kiến khác nhau về dự kiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay. Mặc dù đang trong quá trình chấm thi những đã có thể dự đoán tỉ lệ đỗ sẽ đạt tới gần 100%. Nhiều người cho rằng nếu vẫn “đỗ cả làng” thì thi làm gì. Riêng tôi với tư cách một thầy giáo dạy THPT vui buồn gắn bó với học sinh thì lại lấy đó làm mừng.

Cần phải thấy cái khác về cơ bản đối với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là kết quả học bạ lớp 12 cùng với các điểm khuyến khích, ưu tiên về nghề phổ thông, vùng miền… đã được tham gia vào xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm trong quá trình học của các em được ghi trong sổ học bạ chiếm 50% kết quả tốt nghiệp. Với điểm lớp 12 của các em khoảng 6.5 - 7.0 thì kết quả thi 4 môn cộng lại chia trung bình để đạt tới điểm 3 (với điều kiện không có môn nào bị điểm liệt - 1 điểm trở xuống) thì có thể thấy ngay cả học sinh có mức học trung bình hoặc yếu cũng không khó để được công nhận tốt nghiệp.

Vì sao tôi nói rằng mừng nếu các em đỗ tỉ lệ tốt nghiệp cao? Tôi có cảm giác nhiều người phán xét về việc này là những người không trực tiếp đứng lớp dạy dỗ các em, hoặc không có con em trực tiếp thi cử. 12 năm các em học tập trong nhà trường là 12 năm nỗ lực của các em và biết bao công sức của thầy cô. Nhất là tới năm lớp 12, ngay từ đầu năm thầy trò đã ra sức cố gắng. Đúng là cũng còn có những học sinh mải chơi, lười học nhưng về cơ bản, đa số các em rất ý thức việc học hành. Sẽ buồn biết bao nếu có một vài em nào đó lại không có ngay cả tấm bằng tốt nghiệp. Nhất là đối với năm nay là năm đầu tiên thực hiện Kỳ thi THPT Quốc gia, không thể nào tránh khỏi những mới mẻ. Cho nên có thể một năm khác mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không cao thì không sao chứ nếu rơi vào năm nay, thì rất có thể sẽ có những thí sinh bị oan.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục những ngày gần đây, như ý kiến GS Đào Trọng Thi: “Tại sao phải ghép một kỳ thi mà có đến 99% đỗ tốt nghiệp và mục tiêu tốt nghiệp với thi đại học rất xa nhau, gây áp lực cho thí sinh”. Để việc thi cử thực sự là đổi mới, là khâu đột phá cho đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần mạnh dạn bỏ hẳn việc thi tốt nghiệp. Hiện nay mới bỏ 50%, chỉ còn một nửa nữa mà sao chúng ta vẫn cứ phải cấn cá mãi làm gì. Tất cả các học sinh sau 12 năm học đều được công nhận tốt nghiệp. Chỉ còn lại kỳ thi xét tuyển vào các trường đại học nữa thôi.

Ta thử hình dung như Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, nếu bỏ hẳn vế thi tốt nghiệp thì quy mô thi cử sẽ giảm đi bao nhiêu? Toàn bộ 28% những thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không còn phải đi thi nữa. Giảm hẳn toàn bộ những cụm thi ở các địa phương như năm nay là tới 61 cụm thi do các sở giáo dục tổ chức. Quy mô thi cử chắc không phải chỉ giảm đi 28% mà chắc chắn phải giảm hơn một nửa. Bởi vì việc 61 tỉnh thành có hội đồng thi nó mang một áp lực ghê gớm. Hơn nữa, các em chỉ phải dự thi 3 môn vào các trường đại học, số ngày thi bớt đi, lượng thí sinh bớt đi, áp lực thi cử sẽ bớt đi rất nhiều. Khi chỉ còn tuyển sinh cho các trường đại học thì để các trường tự tuyển sinh hay vẫn nên duy trì một kỳ thi như kỳ thi Quốc gia năm nay là điều phải tiếp tục bàn. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục thì cho rằng nên giao cho các trường đại học tự tổ chức thi. Cá nhân tôi cho rằng để tránh áp lực theo kiểu mạnh trường nào trường ấy tuyển lại trở thành một gánh nặng khác thì vẫn nên duy trì một kỳ thi chung.

Tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đã chỉ rõ mục tiêu của đổi mới giáo dục - đào tạo là “Phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo”. Vậy thì tại sao khi chọn thi cử làm khâu đột phá ta không đổi mới một cách căn bản mà lại đổi mới “nửa vời”: Ghép 2 kỳ thi làm 1 nhưng áp lực thì gần như bằng nhân 2 lên. Thử thách nắng nôi của kỳ thi năm nay buộc chúng ta nên suy nghĩ, để tiếp tục đổi mới hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Mạnh dạn để không đổi mới nửa vời