Giám sát - Phản biện

Nhìn lại những vụ việc thất thoát đất công

Nhóm phóng viên 29/02/2024 21:01

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Nhà nước có thể thu về 248.000 tỷ đồng nếu cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước thành công. Tuy nhiên, chỉ tiêu này khó thành hiện thực vì các doanh nghiệp Nhà nước có tình hình tài chính phức tạp, định giá đất chưa phù hợp, chuyển nhượng đất sai luật...

Theo số liệu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021" của Quốc hội, cả nước có trên 33.000 công sản bị sử dụng sai mục đích với giá trị cả triệu tỷ đồng…

Đất đai là nguồn lực cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nhằm tránh tiêu cực phát sinh dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước và nguy cơ xảy ra tham nhũng trong quản lý đất đai, tài sản công.

Mới đây, những sai phạm nghiêm trọng trong việc “hô biến đất công” thành đất riêng tại khu đất 152 Trần Phú (quận 5, TPHCM) đã được nhiều cơ quan chức năng chỉ rõ. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã ra thông báo thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất.

z5205070873912_cfd02854ec8796909d82a7c1d0e35fcb.jpg
Khu đất 152 Trần Phú. Nguồn: SGGP.

Liên quan đến khu “đất vàng” 152 Trần Phú, kết luận của cơ quan chức năng cho biết, trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc về: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Vinataba, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn.

Tuy nhiên, Vinataba vẫn chưa thông báo và công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến loạt vi phạm pháp luật tại khu đất 152 Trần Phú.

Tới thời điểm hiện tại, cơ quan chủ quản của Vinataba - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến vấn đề này.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tái bổ nhiệm ông Hồ Lê Nghĩa vào vị trí Chủ tịch HĐTV của Vinataba (8/2023). Được biết, ông Nghĩa nằm trong danh sách chức danh các cá nhân được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vì các vi phạm pháp luật nghiêm trọng được nêu.

Nguyên nhân của thất thoát, lãng phí, tiêu cực từ đất công tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã không ít lần được chỉ ra nhưng cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.

Nguồn lực đất đai của Nhà nước đã bị lợi dụng và lạm dụng khi sử dụng sai mục đích hoặc bán rẻ hơn so với giá thị trường, gây nên những thất thoát thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

z5205075396852_11b9a73fec1a85d4a76a9fb7702be1d4.jpg
Ảnh chụp từ vệ tinh toàn cảnh khu đất 152 Trần Phú. Ảnh: SGGP

Câu hỏi đặt ra, ngoài việc xử lý trách nhiệm các cá nhân thì những khoản tiền thất thoát từ những khu đất như vậy liệu sẽ thu về bằng cách nào khi mà hàng nghìn tỷ đồng đã bị trục lợi.

Liên quan đến xử lý trách nhiệm đối với sai phạm hô biến “đất công thành đất ông”, ngày 7/1/2024, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố, bắt giam Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh đều là thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam có hành vi ký các Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè thống nhất góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM) không thông qua đấu giá công khai theo quy định, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Trước đó, liên quan đến sai phạm này cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thiện Toàn - nguyên Tổng Giám đốc, phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại những vụ việc thất thoát đất công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO