NHNN nói gì về vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài?

Quang Thành 03/08/2022 09:57

NHNN đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để phục vụ quá trình điều tra vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

NHNN
NHNN cung cấp thông tin cho cơ quan công an để phục vụ quá trình điều tra vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Ảnh minh họa.

Chuyển công an điều tra vụ vận chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội về thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ.

Theo Thống đốc, thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ là thị trường ngoại tệ phi chính thức không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật, không được NHNN cấp phép. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các tổ chức tín dụng, đảm bảo giao dịch là hợp pháp, hợp lệ.

Thống đốc NHNN cho biết, theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản pháp luật liên quan, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ xuất trình.

Tổ chức tín dụng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Báo cáo số liệu chuyển tiền thông qua hệ thống báo cáo thống kê; các giao dịch có giá trị lớn.

Khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt mức giá trị theo quy định của NHNN (từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)… cũng phải báo cáo NHNN.

Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, NHNN thường xuyên thanh tra, kiểm tra và cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp phòng ngừa sai phạm, đảm bảo các giao dịch chuyển tiền đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Về vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài gây xôn xao dư luận, từ năm 2017, NHNN đã tiếp nhận các báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức tín dụng liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội).

Trên cơ sở phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, NHNN đã chuyển giao thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để điều tra làm rõ.

Truy tố 13 bị can

Theo điều tra của cơ quan chức năng, năm 2016, thấy nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyễn Thị Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phát từ bị can Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh) với giá từ 30-40 triệu đồng/bộ.

Cụ thể, Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu dấu, chữ ký giám đốc công ty để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa là IC điều khiển, làm thủ tục kê khai hải quan.

Thuật và Nguyệt cùng nhau góp tiền mua IC điều khiển của một người Trung Quốc có tên A Vỹ để có hàng hóa làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Sau đó, A Vỹ chỉ định hàng hoá qua các cửa khẩu để chính đối tượng này nhận lại những kiện hàng rồi chuyển lại cho Thuật.

Đối tượng Thuật mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa của Công ty Đầu tư kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phát với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là hơn 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD.

Sau đó, bị can sử dụng công ty này để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng, chuyển số ngoại tệ ra nước ngoài tương ứng số tiền hơn 2.513 tỷ đồng.

Ngoài bán hồ sơ cho Nguyệt, Thuật còn sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch XNK BDA do Thuật thành lập (nhờ người đứng tên) để hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất là IC điện tử làm hồ sơ thanh toán quốc tế, nhằm chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.

Theo sự thoả thuận giữa các đối tượng thì Thuật sẽ chịu trách nhiệm làm thủ tục tái xuất hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Mỗi lượt làm thủ tục, Thuật khai được hưởng lợi 10 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định, bằng thủ đoạn như trên, Thuật và Nguyệt đã chuyển hơn 3.875 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 152 triệu đồng.

Ngoài ra, Nguyệt còn bàn với chồng lập 8 công ty nhằm sử dụng pháp nhân của các công ty này lập hồ sơ tạm nhập tái xuất khống để chuyển tiền ra nước ngoài. Các đối tượng đã sử dụng các pháp nhân được thành lập ký hợp đồng kinh tế khống mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore, rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Sau đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi 0,1% tổng số tiền trên mỗi giao dịch chuyển tiền. Theo cáo trạng, Tuấn đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 6.788 tỷ đồng và hưởng lợi hơn 6,7 tỷ đồng.

Để có hàng hóa hợp thức các hợp đồng kinh tế mua hàng hóa tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo em ruột là Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc. Thắng bị xác định là đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 30.498 tỷ đồng ra nước ngoài, hưởng lợi 410 triệu đồng.

Kết luận điều tra xác định, Nguyệt đã chuyển trái phép ra nước ngoài là hơn 30.498 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Với số tiền hưởng lợi được, Nguyệt khai dùng để chi trả cho hoạt động công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.

Cáo trạng còn xác định, Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên Ngân hàng MB Bank đã nhận thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Công an TP Hà Nội đã tách hồ sơ liên quan đến hành vi của Ngân đến Cục điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền. Đến nay, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngân.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định, nhiều đối tượng có liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt là một số chủ doanh nghiệp, trong đó có nhiều chủ tiệm vàng ở Hà Nội, chủ doanh nghiệp ở TP HCM nên đã tách tài liệu để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý sau.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan chức năng đã tiến hành truy tố đối với Nguyễn Thị Nguyệt và 12 bị can khác về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NHNN nói gì về vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài?