Anh Lê Toàn Thư sinh ngày 26/11/1921 tại xã Bạch Cự, huyện Gia Khánh, nay là thành phố Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Thuở nhỏ, anh theo học ở trường làng. Tốt nghiệp sơ học yếu lược, anh vào học trường thành chung Ninh Bình. Năm 16 tuổi, tốt nghiệp thành chung, anh thi đỗ vào ban A đệ tam chuyên khoa trường Bưởi.
Từ một học sinh tỉnh lẻ đậu thẳng vào một trường lớn, nổi tiếng Xứ Đông dương, lại được những thầy giỏi, đồng thời là những nhà yêu nước nổi tiếng dậy dỗ, kèm cặp như: Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thái Mai, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển v.v…, Lê Toàn Thư không chỉ tiến bộ nhanh trên con đường học vấn, mà có bước trưởng thành vượt bậc trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Anh tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, vận động bạn bè cùng lớp, cùng lứa tuổi hưởng ứng các hoạt động công khai, nửa công khai của các Hội ái hữu, tương tế, các hoạt động thể thao, văn nghệ. Ngay tại trường Bưởi, nơi đang theo học, được sự giúp đỡ của các thầy và những người cộng sản, anh tham gia vào nhóm ngiên cứu chủ nghĩa Mác.
Do hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên dân chủ, năm 1938, vừa tròn 17 tuổi, Lê Toàn Thư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, một loạt cán bộ của Đảng và các nhà trí thức, yêu nước bị bắt bớ, giam cầm hoặc theo dõi, nhiều cơ sở cách mạng công khai bị phá vỡ; anh Lê Toàn Thư được cấp trên rút vào hoạt động bí mật.
Tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp quyết định chuyển cuộc vận động Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh đế quốc với tên gọi chính thức: Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.
Anh Lê Toàn Thư, theo sự phân công của Xứ ủy, tham gia vào đội xây dựng cơ sở ở nông thôn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) – Bí thư Xứ ủy, cùng xây dựng những cơ sở Đảng đầu tiên ở nhiều huyện của Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh.
Việt Minh ra đời với lá cờ đỏ, sao vàng năm cánh và đề ra chương trình 10 điểm với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết” “Tổ quốc trên hết” và mục tiêu “Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do”.
Sau Hội nghị Trung ương 8, anh Lê Toàn Thư được điều trở lại Hà Nội làm công tác nhân sĩ và trí thức vận. Như anh thường kể trong các buổi sinh hoạt: Nhiệm vụ của nhóm lúc đó là: bí mật gặp gỡ cá nhân, từng trí thức có tinh thần yêu nước, có cảm tình với cách mạng để giúp anh chị em hiểu rõ thời cuộc thế giới và trong nước, nhận rõ âm mưu của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, giới thiệu chương trình hành động 10 điểm của Việt Minh, Điều lệ tổ chức và vận động tham gia các hoạt động do Việt Minh phát động.
Năm 1942 trong một lần làm việc tại cơ sở, anh bị mật thám bắt và đầy ra Côn Đảo.
Cách mạng tháng Tám thành công. Hơn một nghìn tù chính trị ở Côn Đảo được chính quyền cách mạng đón về và kịp thời phân công công tác. Trong khi đa số, do chiến tranh đã nổ ra ở Nam bộ, được Trung ương giữ lại ở miền Nam, thì một bộ phận được trở về miền Bắc. Anh Lê Toàn Thư nằm trong số về Bắc và được cử làm Chánh văn phòng Mặt trận Việt Minh giúp việc cho Chủ nhiệm Việt Minh Nguyễn Lương Bằng và sau đó là đồng chí Hoàng QUốc Việt và dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy viên thường trực Xuân Thủy.
Như anh tâm sự trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/1981):
- Vừa ra khỏi nhà tù Côn Đảo, sức khỏe yếu, song với chức trách chánh văn phòng, trước “một núi công việc” vẫn cứ phải ngày đêm lao vào mà giải quyết. Phải làm sao để tham mưu, giúp Tổng bộ triển khai tốt Chỉ thị của Trung ương Đảng nhanh chóng mở rộng Mặt trận Việt Minh. Cụ thể là phát triển thêm các tổ chức cứu quốc; thống nhất Việt Minh trong toàn kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và toàn quốc; sửa lại Điều lệ của Mặt trận Việt Minh cho phù hợp với hoàn cảnh mới để kết nạp những cá nhân có uy tín vào Mặt trận, phát triển và mở rộng Phật giáo cứu quốc; giúp Đảng Dân chủ Việt Nam thống nhất và phát triển mạnh để thu hút vào Mặt trận các nhà tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ v.v…
Đảng chuyển vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa tuyên bố tự giải tán vào ngày 11/11/1945. Và vì vậy, Mặt trận Việt Minh lúc đó giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị của đất nước. Mặt trận Việt Minh thu hút thêm nhiều thành viên mới gồm những nhân sĩ, trí thức cao cấp có uy tín lớn trong nhân dân như các vị: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Vương Chí Sình v.v…
Tháng 1/1948, Trung ương họp Hội nghị mở rộng để kiểm điểm về tình hình khối đại đoàn kết dân tộc sau gần 2 năm toàn quốc kháng chiến. Hội nghị nhấn mạnh khẩu hiệu: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết” và đề ra phương châm “Đoàn kết các dân tộc trong nước, nhân nhượng quyền lợi với nhau để cứu vãn quyền lợi chung của dân tộc”.
Hội nghị đề ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện đoàn kết, thu hút địa chủ, phú nông; tuyên truyền, vận động, giải thích cho bần, cố, trung nông tránh xung đột với địa chủ, phú nông có tinh thần yêu nước. Mặt trận đi sâu vào giáo dân Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo để xây dựng cơ sở. Với các nhà tu hành có tinh thần yêu nước, nên đưa các vị vào Ban chấp hành Hội Liên Việt.
Sau Hội nghị, để tăng cường cán bộ cho Xứ ủy Nam Kỳ, anh Lê Toàn Thư và nhiều đồng chí khác được Trung ương điều vào Nam. Do đã từng làm thư ký riêng cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương, phụ trách Dân vận – Mặt trận, nên lúc đầu anh được phân công làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương, sau đó làm Phó ban thường trực Ban tổ chức Xứ ủy Nam bộ, đặc trách công tác tổ chức Dân vận – Mặt trận.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, anh Lê Toàn Thư được phân công ở lại miền Nam, tham gia Thường trực Xứ ủy Nam bộ do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.
Anh Lê Toàn Thư với tư cách Thường vụ Thường trực Xứ ủy được Đảng đánh giá là người bám chắc vào dân, bám phong trào, bảo vệ Xứ ủy, bảo vệ Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn, góp phần quan trọng vào việc phục hồi phong trào cách mạng miền Nam và giúp đồng chí Lê Duẩn hoàn thành “Đề cương cách mạng miền Nam”. Và khi Trung ương có Nghị quyết 15, anh Lê Toàn Thư lại là người tích cực đôn đốc thực hiện để Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sớm ra đời. Anh được Trung ương cục cử tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với cái tên Lê Văn Thịnh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, anh Lê Toàn Thư được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết.
Đầu tháng 7/1962, đồng chí Lê Văn Thịnh (bí danh của anh Lê Toàn Thư), Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dẫn đầu đoàn của Mặt trận giải phóng sang Cuba – nước đầu tiên trên thế giới mời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đặt cơ quan Thường trú tại nước mình và đài thọ chi phí cho mọi hoạt động.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất, anh Lê Toàn Thư được Trung ương phân công làm Phó ban quốc tế nhân dân giúp việc đồng chí Xuân Thủy – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban quốc tế nhân dân cho đến khi nghỉ hưu.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ở miền Nam có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Đất nước đã thống nhất, việc thống nhất các tổ chức Mặt trận vừa là nguyện vọng, vừa là đòi hỏi tất yếu của nhân dân, của cách mạng. Anh Lê Toàn Thư được cử vào Ủy ban trù bị Đại hội và có những đóng góp rất lớn vào việc lựa chọn, giới thiệu các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo và những người tiêu biểu trong các dân tộc, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Ủy ban.
Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, anh Lê Toàn Thư được bầu vào Ủy ban Trung ương và được Đoàn Chủ tịch phân công phụ trách công tác đối ngoại của Mặt trận.
Anh Lê Toàn Thư là một nhân chứng lịch sử. Cuộc đời của người cộng sản kiên trung đó trải dài suốt thời kỳ nhân dân ta chuẩn bị và vùng lên giành độc lập dân tộc, qua cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến gian khổ và thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Côn Đảo – địa ngục trần gian và Luật 10/59 không thể làm lay chuyển ý chí bất khuất của người cộng sản kiên trung đó.
Ghi nhận công lao to lớn đối với Đảng, với nước, với dân, năm 1984 Chủ tịch nước đã trao tặng anh Lê Toàn Thư Huân chương Hồ Chí Minh.