Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi được gặp Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT), nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ (người trực tiếp chỉ huy giải phóng Cần Thơ năm 1975) kể về thời khắc Cần Thơ được giải phóng.
Ký ức về ngày toàn thắng
Dù nửa thế kỷ trôi qua, những ký ức về ngày toàn thắng 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của vị tướng 86 tuổi. Theo Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, Cần Thơ được Mỹ, ngụy xem là trọng điểm thứ 2 sau Sài Gòn nên đã điều phần lớn lực lượng về trấn thủ quanh Cần Thơ, túc trực là Sư đoàn 21.
Thời gian diễn ra trận quyết chiến chiến lược cuối cùng ở miền Tây Nam bộ đã bắt đầu từ giữa tháng 3/1975. Lúc đó, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chủ trương đưa các đơn vị chủ lực Quân khu và các Tiểu đoàn Tây Đô - Cần Thơ áp sát các tuyến ngoại vi Cần Thơ để tạo thế tiến công địch. Trung đoàn 20 chủ lực Quân khu và một số đơn vị trong Sư đoàn 4 Quân khu 9 triển khai khu vực kinh Đông Pháp, Thới Lai, Ô Môn…
Ngày 6/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 điều toàn bộ Sư đoàn 4 và Trung đoàn 6 pháo binh về bao vây tiến công sân bay Trà Nóc. Từ ngày 8 - 12/4/1975 sân bay Trà Nóc và sân bay Lộ Tẻ Cần Thơ liên tục bị ta pháo kích khống chế. Ngày 26/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc chiến tranh ngay trong mùa khô năm 1975. Với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa”, Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ hạ quyết tâm, cùng với cả nước, tỉnh nhà phải tiến lên xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, phối hợp chặt chẽ các đơn vị chủ lực Quân khu 9 giải phóng Cần Thơ trong thời gian sớm nhất. Lực lượng của Tỉnh đội Cần Thơ và lực lượng Quân khu 9 chia làm 3 cánh quân áp sát Cần Thơ.
“Ngay khi được lệnh tấn công, các cánh quân của các Tiểu đoàn Tây Đô nhanh chóng triển khai theo 3 hướng. Tiểu đoàn Tây Đô 1 cùng biệt động Cần Thơ, địa phương quân Châu Thành A do tôi trực tiếp chỉ huy tiến về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ để vào lộ Vòng Cung, tiến sâu vào trung tâm Cần Thơ để chiếm các mục tiêu quan trọng. Tiểu đoàn Tây Đô 2 do đồng chí Út Sương (AHLLVT Lê Hoàng Sương, Tỉnh đội phó) chỉ huy cùng Tiểu đoàn 303 của Quân khu tiến theo hướng Xóm Chài. Đồng chí Bảy Thấy (AHLLVT Phạm Hồng Thấy) chỉ huy Tiểu đoàn Tây đô 3 cùng với quân chủ lực Quân khu 9 hành quân qua Trà Niền, xã Nhơn Ái để vào lộ Vòng Cung” - Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể.
Cũng theo ông Sơn, ngày 29/4, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt trên cả tuyến Vòng Cung và các điểm vùng ven. Đến 11h30, ngày 30/4, khi Tiểu đoàn Tây Đô I vào sát mé sông Cần Thơ, triển khai đội hình chiến đấu ở Bà Hiệp - Ba Láng, thì được tin Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh sĩ bỏ súng.
“Tuy chưa nhận được sự chỉ đạo của cấp trên nhưng lúc này bằng nhạy cảm của người chỉ huy, tôi thấy phải hành động sao cho nhanh và tránh được đổ máu cho cán bộ, chiến sĩ. Trong lúc này lực lượng Sư đoàn 21 ngụy có xe M113 và thiết giáp đóng án ngữ trên đường ta tiến quân vào Cần Thơ. Tôi liền cho tổ thông tin kỹ thuật dùng máy PRC25 liên lạc thẳng với tên cho huy Sư đoàn 21 ngụy. Tôi nói, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Các ông phải ra lệnh cho binh sĩ không được nổ súng và lui ra hai đầu cắm cờ trắng báo hiệu” - Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nhớ lại.
Trước khí thế của quân ta, quân địch đã làm theo yêu cầu của ta để giữ mạng sống. Quân ta nhanh chóng triển khai vượt qua sông, sang lộ Vòng Cung tiến thẳng vào Cần Thơ, chiếm Đài phát thanh, trung tâm nhập ngũ 4.
Lúc này, ông Lê Thanh Sơn ra lệnh cho Đại đội Trinh sát chiếm Dinh tỉnh trưởng; Đại đội 20 chiếm khu vực Nha cảnh sát; Đại đội 23 chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 4, vùng 4 chiến thuật ngụy. 16 giờ 30, tốp quân đầu tiên của Tây Đô đã chiếm Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh, treo cờ quyết thắng lên nóc nhà và ăng ten Thông tin Vi Ba vùng 4.
“Đến 17 giờ toàn bộ các mục tiêu đã được ta làm chủ, đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) - Bí thư Thành ủy cũng đã có mặt kịp thời tại đài phát thanh. Đồng chí cho nhân viên đài phát thanh phát nội dung bản công bố ngắn gọn: Giờ phút này lực lượng vũ trang cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Cần Thơ, các sĩ quan, binh lính cộng hòa hãy nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng” - Thiếu tướng Lê Thanh Sơn thông tin thêm và cho biết ông tiếp tục cùng đồng đội triển khai chiếm các mục tiêu quan trọng khác, gồm: căn cứ hải quân, nhà tên tư lệnh vùng 4 Nguyễn Khoa Nam, và tỉnh đoàn bảo an... Sau đó, ông bắt liên lạc được với Tư lệnh Quân khu 9, báo cáo đơn vị đã chiếm các mục tiêu như kế hoạch.
Ở đâu có dân thì ở đó có quân giải phóng
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn cho biết, ngày 30/4/1975 là sự kiện lịch sử lớn lao của cả dân tộc, kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của những người chiến sĩ cách mạng. Mừng vui khôn tả, nước mắt ngày thắng lợi cứ chảy ra mỗi khi đồng đội gặp nhau. “Đêm 30/4/1975, gần như chúng tôi không ngủ, với bao nỗi niềm hạnh phúc, sung sướng dâng trào, nhưng cũng bùi ngùi nhớ thương biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, không còn được chứng kiến ngày toàn thắng. Tôi nhớ mãi lời trăn trối của một số đồng chí ở Đại đội 23 trước lúc hy sinh chỉ mong được nhìn thấy bến Ninh Kiều - Cần Thơ một lần cho thỏa. Vậy mà lúc đó chúng tôi đã làm chủ cả thành phố, ta làm chủ cả miền Nam, đất nước đã giải phóng rồi, sự thật mà cứ như mơ vậy”- Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nhớ lại.
Đã 50 năm trôi qua, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn vẫn không bao giờ quên cuộc chạm mặt với tướng Mạch Văn Trường - Tư lệnh Sư đoàn 21 ngụy cùng các thuộc hạ của Trường khi tiến vào Dinh tỉnh trưởng Cần Thơ vào ngày 30/4. “Lúc này, Mạch Văn Trường hỏi tôi là các ông ở đâu mà ra nhanh quá. Đại diện quân giải phóng, tôi tự hào trả lời với kẻ đối đầu với mình mười mấy năm trời là ở đâu có dân thì ở đó quân giải phóng có mặt” - ông Sơn kể.
Sau khi về hưu, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn canh cánh trong lòng về đời sống của anh em Tiểu đoàn Tây Đô đã từng sát cánh chiến đấu cùng ông năm xưa. Ông đã vận động các đồng đội cũ thành lập Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô. Đến ngày 24/6/2002, Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với phương châm: nhắc nhau giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân và truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô “ra đi là chiến thắng”. Trong quá trình gặp lại đồng đội, ông thấy nhiều người còn có khó khăn về nhà ở nên ông đã bàn với anh em trong Ban Liên lạc, vận động xây dựng nhà cho đồng đội Tiểu đoàn Tây Đô.
“Chúng tôi đi vận động tiền để xây nhà. Tôi nhớ kỷ niệm khánh thành nhà cho anh em, chính quyền địa phương đến tặng quạt, tặng giường bà con lối xóm đến tặng chén, tặng nồi… cảm thấy rất ấm áp. Hiện nay, công việc xây nhà cho anh em Tiểu đoàn vẫn được Ban Liên lạc tiếp nối. Đến nay chắc cũng đã hơn 1.500 căn rồi” - Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể.