Còn gì đẹp hơn khi khoác lên người chiếc áo dài, chiếc áo của quê hương đi giữa rừng hoa anh đào, hoa mộc lan đang khoe muôn sắc. Còn gì đẹp hơn khi mình trở thành một người nổi bật giữa đám đông với chiếc áo truyền thống của quê hương mà bao người ngắm nhìn và suýt xoa khen ngợi...
Áo dài trong sự kiện chào đón năm mới do Hội sinh viên Việt Nam Berlin - Postdam tổ chức.
Châu Âu bắt đầu vào Xuân với khí trời dịu mát kèm chút se se lạnh làm tôi nhớ quê hương nhiều hơn.
Tôi nhớ Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội, Sapa. Mùa Xuân - mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của muôn hoa sau những ngày đông giá rét, băng tuyết.
Mùa Xuân - mùa đặc biệt của tình yêu hay nói đúng hơn là mùa cưới, bởi nhiều cặp đôi sẽ chọn cho mình một ngày cưới vào mùa Xuân như một cách ngầm thừa nhận rằng, sau bao lạnh lẽo, khắc nghiệt của mùa Đông, của chặng đường tìm hiểu đã qua, mùa Xuân là lúc tình yêu thăng hoa, đơm bông kết trái.
Riêng với những con người xa quê, mùa Xuân là mùa ấm áp yêu thương, là mùa khắp nơi đều bắt đầu thấy bóng dáng quê hương. Bởi mùa Đông qua đi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta trút bỏ nhưng chiếc măng tô dày để khoát lên mình những bộ cánh đẹp.
Còn gì đẹp hơn khi khoác lên người chiếc áo dài, chiếc áo của quê hương đi giữa rừng hoa anh đào, hoa mộc lan đang khoe muôn sắc. Còn gì đẹp hơn khi mình trở thành một người nổi bật giữa đám đông với chiếc áo truyền thống của quê hương mà bao người ngắm nhìn và suýt xoa khen ngợi: "chiếc áo thật đẹp, thật đặc biệt", "cô ấy trông rất quyến rũ khi mặc chiếc áo ấy", hay "tôi biết chính xác cô ấy là người Việt Nam vì cô ấy đang mặc áo dài của quê hương mình".
Yêu lắm, tự hào lắm! Tôi thầm hát một câu hát quen thuộc: "Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài tung bay trong gió, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó".
Áo dài quê hương được quảng báo nhiều hơn không những tại các sự kiện của cộng đồng người Việt, mà còn tại các sự kiện mang tính quốc tế như các cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa, tại các triển lãm, các hội nghị hợp tác...
Phương Mi, du học sinh tại Đức chia sẻ: "Hành trang không thể thiếu trong thời gian du học của tôi là chiếc áo dài được chuẩn bị từ Việt Nam. Thời tiết ấm dần lên là dịp để chúng tôi mang áo dài đi khắp nơi. Tôi thấy mình thật rực rỡ, thật khác biệt khi khoát lên mình chiếc áo dài của quê hương.
Tại Đức, tôi sẽ mặc áo dài bất kỳ lúc nào tôi có điều kiện, như một buổi gặp gỡ văn hóa tại trường đại học hay một buổi hẹn bạn chụp hình bên hoa đào hoặc một tiệc cưới".
Mùa Xuân, Hè là mùa "em đi trên cỏ non", mùa mà con người có cảm giác như đang sống trên một thiên đường của các loài hoa và ước được chìm đắm mãi trong vẻ đẹp bất tận ấy.
Khắp nơi, từ vườn nhà ra phố, mọi ngóc ngách đều là "lãnh địa" của hoa. Đặc biệt hơn cả là hoa cải, hoa của giàn bầu, hoa của giàn bí, hoa ngò, hoa mã đề hay hoa húng quế... đặc sản của quê hương Việt Nam trên xứ lạnh.
Mỗi người Việt xa quê đều cố gắng tạo cho mình một khoảng không gian để có thể trồng các giống rau quả từ quê hương khi mùa Xuân đến. Đó như là một cách để xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhớ quê, là cách ấp ủ hình bóng quê nhà trong cuộc sống mưu sinh nơi đất khách.
Mùa Xuân bắt đầu cũng đồng nghĩa là mùa của những cuộc hẹn hò, những bữa cơm thân mật hay nhưng buổi tiệc ngoài trời với hương vị quê nhà cùng phở, bún bò Huế, gỏi cuốn, nem rán, phở cuốn, bún mắm,... và các loại chè.
Sau tuần làm việc, mọi người sẽ gặp nhau, cùng nhau nấu những món ăn đặc sắc của quê hương nhằm giới thiệu đến bạn bè từ các vùng miền trong nước và bạn bè người nước ngoài.
Người Đức không thể thiếu Bratwurst, Kartoffelsalat, người Nhật không thể thiếu Sushi và người Việt không thể thiếu phở, nem rán.
Anh Thomas Pfau, người Đức hào hứng: "Tôi có một thời gian dài ở Việt Nam và tôi đã trót yêu quê hương các bạn. Việt Nam là quê hương thứ 2 của tôi. Ẩm thực Việt Nam là đam mê của tôi và chỉ người Việt mới có chứ không một nơi nào trên thế giới có được. Làm sao có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nem rán hay phở ăn kèm với quẩy".
Như một ma lực tàng hình, quê hương không chỉ len lỏi trên từng hơi thở, từng thớ thịt của những người con xa quê mà quê hương còn mạnh mẽ xâm lấn đến từng ngóc ngách trong đời sống của cộng đồng người Việt xa quê và cả bạn bè quốc tế.
Chị Sejin đến từ Hàn Quốc chia sẻ: "Tôi đã sống ở Việt Nam 4 năm nên có nhiều kỷ niệm với Việt Nam nói chung và con người Việt Nam. Hiện nay tôi sống tại Đức, ngoài việc gặp gỡ cộng động người Hàn Quốc, tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt như một cách để gìn giữ và khơi gợi kỷ niệm về Việt Nam.
Bây giờ tôi sẽ nói rất nhanh hai từ Việt Nam khi tôi nhìn thấy áo dài hay một hình ảnh quảng cáo với bát phở nghi ngút khói từ một nhà hàng nào đó trên phố hay là tôi sẽ rất thèm được ăn ngon món nem rán nếu ai đó nhắc đến từ Frühlingsrollen".