Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.
1. Đánh giá về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều nhà báo, học giả nước ngoài đã đưa ra nhận định, đây là thắng lợi nhờ sách lược đúng đắn, khả năng lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh - một thắng lợi đã kết hợp nhuần nhuyễn với quá trình chuẩn bị cả về chính trị và quân sự kỹ lưỡng; là nhờ sức mạnh của đoàn kết dân tộc, trên cơ sở khối liên minh công nông đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Là thắng lợi của một cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn cho cả các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới.
Những nhận định ấy hoàn toàn chính xác. Lần đầu tiên một dân tộc nhỏ bé chỉ với 20 triệu người đã đứng lên giành được độc lập và ghi danh trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước độc lập. Thắng lợi của Việt Nam đã góp phần mở ra một trang mới trong lịch sử thế giới; trở thành biểu tượng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Và, nó còn trở thành tấm gương sáng, bài học cho cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới. Nó cho thấy, một nước tuy nhỏ bé, tiềm lực kinh tế không có gì vẫn có thể đứng lên giành độc lập dân tộc nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc ấy có sức mạnh đoàn kết vô song. Đây chính là sự cổ vũ lớn lao cho các dân tộc đang chịu cảnh áp bức, bóc lột của thực dân vào thời điểm ấy.
Chưa bao giờ khí thế ấy, tinh thần ấy của các chiến sĩ cách mạng anh dũng ở Bắc Sơn hay Võ Nhai lại có sức mạnh cổ vũ dân tộc, cổ vũ nhân loại lớn đến vậy. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thế giới đã ghi nhận tinh thần cách mạng tiến công; sự rung chuyển thế giới bởi những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khắp các châu lục.
Cuộc cách mạng xuất phát từ Việt Nam - một nước nhỏ bé ở Đông Nam Á đã châm ngòi cho các cuộc cách mạng long trời lở đất khác. Và, với Việt Nam, nhờ Cách mạng Tháng Tám mà dân tộc ta có một ngày 2/9/1945 ý nghĩa. Một ngày mà người Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam là một nước độc lập!
Lịch sử đã ghi lại giây phút không thể nào quên của một nước độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Trên lễ đài bằng gỗ rất đơn sơ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nước độc lập mang tên Việt Nam. Và, các ống kính nhiếp ảnh của nhiều phóng viên trong và ngoài nước đã kịp ghi lại cái hào khí Việt Nam qua những dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tại đó, Bác Hồ đã tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Hồ Chủ tịch cũng khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”.
2. Cách mạng Tháng Tám thành công không chỉ là niềm tự hào của giai cấp lao động và toàn thể nhân dân Việt Nam mà còn là niềm tự hào chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Một cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi một Đảng mới có 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã có thành công vang dội.
Nhìn vào tinh thần của cuộc cách mạng ấy và tinh thần Ngày Độc lập có thể thấy, gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù nguy hiểm để giữ gìn nền độc lập dân tộc và qua đó giữ gìn những quyền lợi của nhân dân một nước độc lập phải có; bên cạnh đó cũng là cách để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của dân tộc ta, nhân dân ta về một nước độc lập; về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trên những chặng đường đã đi, chúng ta luôn có Đảng dẫn đường. Đất nước gặt hái được nhiều thành công không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ.
Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%. Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP giảm xuống 2,58% vào năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Delta nhưng dự kiến sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã tự đặt ra cho mình những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Một tầm nhìn hướng tới tương lai để dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn, đúng như những gì mà Bác Hồ đã nói tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào 77 năm trước: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
3. Dù đạt được nhiều thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc trong thời chiến và nhiều thành tựu đáng kể trong thời bình nhưng chúng ta vẫn còn không ít thách thức phải vượt qua.
Đó là những thách thức phải chịu tác động từ sự bất ổn của thế giới nói chung và kinh tế thế giới nói riêng khi mà hàng loạt các vấn đề an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống đang gõ cửa từng quốc gia, dù là nước giàu hay nước nghèo.
Đó là những thách thức trong nội tại của nền kinh tế khi mà sức ì đã bắt đầu hiển hiện và chúng ta đang cần phải vượt qua bằng những cải cách thực thụ; về chính sách chung nhằm đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để đạt được thành công ấy, chúng ta cần sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân; sự quyết tâm của các cấp chính quyền. Và chúng ta đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; vào tinh thần cách mạng tiến công của cả hệ thống để đưa đất nước đến chân trời mới, tươi sáng hơn.