Thế hệ chúng ta có ai mà chưa từng trải qua những tháng ngày đi học. Tiếng trống trường thân thương cũng gắn bó từ đó và đã trở thành hành trang quen thuộc trên mọi nẻo đường. Với không ít người tiếng trống trường mãi tồn tại trong kí ức tuổi học trò nhiều kỉ niệm của cả một thời thơ ấu.
Tùng! Tùng! Tùng! Ba tiếng ấy thôi đã cho chúng ta trải qua biết bao cung bậc cảm xúc của một năm học. Từ những náo nức hồi hộp trước một năm học mới đến bao nỗi lo lắng trước mỗi kì thi, cả những cuống quýt khi đến giờ thầy thu bài mà bài làm vẫn chưa xong trong mỗi tiết kiểm tra.
Những âm vang khiến lòng ta cảm thấy nhẹ nhõm khi tan trường và đâu đó còn lưu luyến một chút nuối tiếc của một ngày bế giảng. Tiếng trống buồn đã xua tan vỡ òa bao cảm xúc tuổi thơ khi ta ngồi thẫn thờ bên ghế đá dưới gốc phượng già xanh ngắt một góc trời. Tiếng trống vui hối hả từng nhịp từng hồi làm cho đàn ong như vỡ tổ ùa ra, tung bay khuấy động cả một khoảng không đang yên lặng…
Rồi cứ thế, tiếng trống trường đã trở thành người bạn không thể thiếu trong những năm học phổ thông của mỗi người. Đó là những tiếng trống biết buồn vui, biết lắng nghe những tâm sự của con người.
Trống trường là loại trống khá lớn, được dùng làm hiệu lệnh và được đặt cố định ở trên một giá. Về cấu tạo nó bao gồm thân và mặt trống. Thân trống dùng loại gỗ có màu sắc tự nhiên đẹp, ít hút ẩm như gỗ mít.
Người ta cắt, xẻ, bào nhẵn từng mảnh dài 0,8m và rộng khoảng 7cm ghép thành tang trống. Hai mặt trống bịt bằng da trâu và ghim bằng nhiều ghim tre. Vì cấu tạo thân trống phình rộng, bên trong rỗng, nên khi đánh sẽ tạo nên âm thanh trầm bổng vang xa.
Đã bao giờ bạn mở lòng lắng nghe trọn vẹn từng hồi từng nhịp trống để phân biệt được tiếng trống nào náo nức ngày khai giảng. Tiếng trống nào dồn dập nhắc bạn đã sắp hết giờ ra chơi để chuẩn bị vào tiết học mới. Tiếng trống nào hồ hởi khoan thai báo hiệu giờ tan học.
Trống còn cho ta liên tưởng đến bao cảm xúc khác chỉ với ba tiếng “Tùng! Tùng! Tùng!” ấy thôi. Mặc cho bão giông sấm chớp và mưa nắng thất thường, tiếng trống trường vẫn đúng giờ, nghiêm trang chuẩn mực và gần gũi như tri ân với thầy cô, bè bạn. Không ít người vẽ cả hình trống vào cuốn lưu bút để chuyền tay nhau trong mỗi tiết học của kì học cuối cùng.
Không chỉ thế tiếng trống trường còn đi vào thơ ca Việt Nam đã cho ta những vần thơ vừa tiếc nuối vừa giục giã hối thúc chúng ta nhanh thêm một chút, cố gắng hơn một chút không ngừng vươn cao bay xa.
Từ lâu rồi, người ta đã thay thế tiếng trống trường bằng những tiếng chuông báo hiệu. Trống trường chỉ được sử dụng trong lễ khai giảng, bế giảng hoặc các ngày lễ trọng đại khác.
Tiếng trống hay tiếng chuông tuy mang âm thanh khác nhau nhưng cũng đều chung mục đích là đánh thức và nhắc nhở. Có những âm thanh nghe mãi chẳng thể quen và cũng có những âm thanh nghe mãi cũng chẳng thể quên. Vì thế, trong kí ức của nhiều bậc phụ huynh thì âm thanh của tiếng trống trường chỉ còn là hoài niệm.
Đón chào mùa khai giảng năm nay, khắp mọi nơi tiếng trống trường lại vang lên để hòa nhịp vào năm học mới. Tiếng trống ấy như đang giục giã từng học sinh thân yêu hãy lấy quyết tâm và ý chí kiên trì học tập làm vũ khí để đánh bại những đề thi khó giành chiến thắng vẻ vang trong cuộc đại chiến vượt vũ môn. Vẫn rộn ràng náo nức như xưa, tiếng trống trường ở những nơi các em đang học hôm nay vẫn gợi lại cho ta những cảm giác nao nao của ngày đầu tiên đi học.