Xã hội

Nhọc nhằn ‘phu gạch’ cuối năm

ĐOÀN XÁ 10/11/2024 14:55

Trong mịt mù bụi bặm và nóng nực, những người “phu gạch” lặng lẽ với công việc nặng nhọc của mình, vận chuyển những chồng gạch cao ngất xuống ghe thuyền. Dù vất vả vậy nhưng vì nhiều nguyên nhân, công việc này ngày càng thu hẹp, khiến công nhân như khó khăn hơn để bươn chải cuộc sống mưu sinh những ngày cuối năm này.

Ảnh 3-Nhọc nhằn phu gạch cuối năm
Nhiều lò gạch nung ở ven sông Cổ Chiên.

Chuyện đời người phụ nữ khuân vác gạch

Là một trong chín dòng sông danh tiếng của vùng Cửu Long, sông Cổ Chiên mang trong mình vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng với những ruộng vườn xanh tốt, trái cây trĩu quả trải dài từ vùng Cái Bè, Châu Thành, Chợ Lách cho tới Vũng Liêm, Long Hồ, Càng Long… Điều đặc biệt là hai bên bờ sông Cổ Chiên, đoạn qua huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) và phía tỉnh Vĩnh Long là vô vàn những lò gạch nung. Xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX, các lò gạch nơi đây từng cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho hầu hết cư dân miền Tây Nam bộ. Thời hưng thịnh là những năm 1980-2000 có tới hàng ngàn lò nung gạch nằm bên sông Cổ Chiên và một số sông, kênh nhỏ nối với nó. Tuy nhiên, sau đó số lò gạch bắt đầu giảm dần vì những quy định khắt khe của việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, dù không còn nhiều nhưng vẫn có hàng trăm lò nung gạch dọc ven sông Cổ Chiên, Cái Nhum, Thầy Cai… Điều đáng nói, dù có những thay đổi đáng kể nhưng công việc của những người phu khuân vác trong lò gạch thì vẫn thế.

Bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ cho tới khi hoàng hôn đỏ thẫm phủ bóng xuống dòng sông. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 39 tuổi, một người đã gắn bó nhiều năm với các lò gạch ở xã Thành Trung Tây (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết gia đình chị ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nhưng ngày nào cũng chạy ghe sang đây làm lò gạch. “Vợ chồng em làm cho chú Sáu chủ lò nhiều năm rồi. Cách đây hơn hai năm chú bị ung thư mất nhưng các con chú vẫn tiếp tục giữ nghề nung gạch của gia đình. Công việc thì ngày nào cũng vậy cả, chủ yếu vận chuyển đất từ ghe lên lò rồi cho vào khuôn máy, vận chuyển gạch thô ra sân phơi. Sau khi nung thì mình lại vẫn chuyển từ lò xuống ghe chở đi các nơi cho khách. Gạch ở lò đây thường ngược sông Cổ Chiên rồi về Búng Tàu, Vị Thanh, Bạc Liêu đổ mối. Đi ngược thì xa lắm, ghe mất hai ba ngày nhưng gạch chở nặng, xuôi về phía biển dễ bị đắm”, chị Hạnh cho biết.

Theo người phụ nữ này, công việc ở lò gạch không khó khăn nhưng yêu cầu có sức khoẻ và biết chịu đựng bởi dù là nam hay nữ thì việc vận chuyển khối lượng nặng nhọc trong ngày cũng không nhiều người có thể duy trì được. “Ở đây vợ chồng tôi nhận làm ăn lương hàng tháng nên ngày nào mình cũng tới lò. Có một số người họ làm khoán thì ngày nào lấy tiền ngày đó, có thể nay làm rồi mai nghỉ cũng không sao. Nhưng vợ chồng tôi làm ở đây cũng mười mấy năm rồi, giờ bỏ thì không biết làm gì. Mà gia đình chủ lò cũng tốt lắm. Mấy năm trước cất nhà, cô chú cho luôn một ghe gạch lớn. Mình làm ăn lương nên có những ngày tới 8-9 giờ tối chưa dám nghỉ vì biết nhiều ngày không có ghe về, lại chỉ loanh quanh vệ sinh lò, chặt củi mà thôi”, chị Hạnh kể thêm.

Ảnh 1-Nhọc nhằn phu gạch cuối năm
Những người nữ phu gạch ven sông Cổ Chiên.

Không khó để biết rằng công việc của những người khuân vác gạch ở đây là rất vất vả, nặng nhọc, đặc biệt những lúc ghe về. Khi đó, họ phải vận chuyển hàng chục tấn gạch nung từ trên lò xuống ghe. Dù quãng đường không dài nhưng trên lưng mỗi người thường là khoảng 50-70 viên gạch, thậm chí cả trăm viên. Điều lạ lùng hơn, dù vất vả nhưng nhiều người khuân vác gạch lại là phụ nữ, thay vì đàn ông như nhiều công việc nặng nề khác. Nói về điều này, chị Trần Thị Bé, một đồng nghiệp của chị Hạnh cười cười bảo do cần phải kiên trì nên nhiều phụ nữ đảm đương công việc này. “Nghề khuân vác gạch này như con ong con kiến vậy, phải chăm chỉ mới xong được. Mỗi ngày có hàng chục ngàn viên gạch nằm trên lưng, đi từ phía này sang phía kia, từ ghe lên sàn rồi từ sàn xuống ghe là bình thường. Ban đầu mới vào lò chịu không nổi đâu nhưng dần dần mới quen được. Tôi mới làm nghề này từ sau dịch thôi nhưng giờ thấy thoải mái lắm”, chị Bé cho biết thêm. Theo người phụ nữ này, chị không làm ăn lương của chủ lò mà khoán theo sản phẩm. Nhóm của chị Bé thường có từ 5-6 người, đều ở bên phía cù lao Dài (nằm giữa sông Cổ Chiên) và nhận việc với các chủ lò. Thường thì họ làm khoán theo ngày, tiền công hiện nay khoảng 350 tới 400 ngàn đồng mỗi người mỗi ngày. Làm khoán có ưu điểm là chủ động thời gian, có tiền ngay và những tháng cuối năm như hiện nay, công việc nhiều hơn thì chủ lò có thể trả cao hơn tuỳ theo thoả thuận.

Ảnh 2-Nhọc nhằn phu gạch cuối năm
Những công nhân hối hả đưa gạch xuống ghe.

Nỗi niềm ngày cuối năm

Trong thời gian tìm hiểu cuộc sống của những người công nhân gạch nơi đây, chúng tôi biết rằng hầu hết đều không có ai trụ được với nghề này được hai mươi năm. Những người như vợ chồng Hạnh với thời gian gắn bó trên 10 năm đã là khá lâu. Dù vậy, chị Hạnh cho biết bản thân mình và anh Hai Thảo, chồng chị cũng đang tính toán tìm nghề khác. “Làm ở lò cực lắm, nhất là khói bụi khi dỡ gạch ra. Hiện nay dù công nghệ đốt đã tốt hơn thì vẫn có bụi, nhất là bụi mịn của lớp bột dính vào gạch. Khi mình vận chuyển thì cơ thể phải hít thở nhiều và mạnh nên ở đây ai cũng đau phổi, khó thở hết á. Ngoài ảnh hưởng tới phổi, điều mà những công nhân lo lắng nhất chính là việc đau cột sống và xương bả vai. Đây cũng là nguyên nhân nhiều người buộc phải bỏ nghề vì không thể chịu đựng nổi. Việc vận chuyển gạch liên tục và di chuyển lên xuống ghe càng khiến cho bệnh xương khớp của nhiều người tiến triển nhanh hơn. Như tôi mới 44 tuổi thôi mà đã bắt đầu có dấu hiệu đau xương sống, xương vai rồi. Chắc một vài năm nữa cũng phải nghỉ. Giờ mong kiếm chút vốn để đầu tư trồng sầu riêng, mít nghệ thôi”, anh Hai Thảo ngậm ngùi cho biết.

Cũng theo anh Hai Thảo, những căn bệnh do ảnh hưởng của lao động như trên chưa phải là mối lo duy nhất của những người làm nghề bởi rất nhiều người bị tai nạn lao động. Nhẹ thì té ngã, nặng thì bỏ nghề luôn bởi khi vác những chồng gạch cao ngất ngưởng trên lưng, chỉ sơ sẩy một chút là họ sẽ gặp tai nạn ngay. Ngoài ra, những lò lung cũng khá cao, thường tới hơn 10 mét nên khi di chuyển lên xuống cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn.

Điều kỳ lạ là mặc dù đối mặt với nhiều rủi ro, tai nạn nhưng mối lo lớn nhất của những thợ khuân vác gạch lại tới từ những máy móc dây chuyền. Hơn chục năm trước, khi những máy móc này bắt đầu xuất hiện ở các lò gạch thì ai cũng phấn khởi vui mừng vì có vẻ mọi người bớt được một số công việc nặng nhọc. Thế nhưng, ngày nay máy dây chuyền lại là “kẻ thù” của những công nhân vì nhiều chủ lò sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu để vận chuyển nhanh hơn. Chỉ còn một số lò với những đặc thù riêng, khó lắp ráp khi lên xuống ghe và ở trong miệng lò, hầm cao thì mới cần công nhân trực tiếp. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm lớn nhất của những người công nhân gạch nơi đây, dù vất vả nặng nhọc nhưng cũng dần ít công việc để làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn ‘phu gạch’ cuối năm