Một nhóm bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk đã làm được trên 500 "bom hạt giống" thả tại khu vực đất trống, đồi trọc ven quốc lộ 27 (địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Đầu năm 2021, nhóm bạn trẻ này đã đổi màu cho những khu đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và những cánh rừng bị chặt phá bằng cách dùng đất sét bọc quanh hạt giống, giúp bảo vệ hạt giống không bị côn trùng ăn mất và khi có mưa. Đất bọc ngoài sẽ giữ được lượng nước đủ cho hạt nảy mầm.
Cách làm là chỉ cần giữ lại, rửa sạch và phơi khô hạt hoa quả... tạo “bom hạt giống” - trộn đất sét, mùn với phân và chút nước, nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt giống cây cần trồng vào giữa rồi vo viên lại.
Tiếp đến, "bom hạt giống" được các bạn trẻ đặt vào bãi đất trống, đất hoang nơi mình sinh sống, đi qua. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước.
Theo anh Phạm Thanh Tuấn (người khởi xướng làm "bom hạt giống"), trong 1 bom có tới 5 loại hạt: Cây tiên phong, cây tạo tán, cây cố định đạm và dược liệu tầng thấp. Sau khi cây con mọc có sẵn một lượng dinh dưỡng là phân ủ trộn với đất đủ để cây phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài 2-3 tháng đủ cho cây con cứng cáp, khi mùa khô hạn đến sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.
Nhờ sự nhỏ gọn của mỗi quả “bom hạt giống”, ngay cả mùa khô cũng có thể mang đi để vào khu vực phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong bom.
Theo anh Tuấn, sử dụng “bom hạt giống” giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng. “Bom hạt giống” có thể tận dụng các loại cây đặc hữu tái sinh bằng hạt, có khả năng chịu hạn cao để phát triển diện tích rừng tự nhiên.