Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (từ ngày 4 đến ngày 10/5) mới đây, cùng với nhiều quyết sách quan trọng, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với sự nhất trí cao của tất cả 63/63 tỉnh ủy/thành ủy trong cả nước. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực cấp tỉnh cho thấy quyết tâm to lớn và mạnh mẽ của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực sẽ do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập; chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực sẽ do Bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm Trưởng ban; làm việc theo chương trình hàng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần; khi cần thiết, tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác PCTN, tiêu cực với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần.
Như vậy là tới đây không chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực mà các tỉnh/thành cũng có ban chỉ đạo công tác đặc biệt quan trọng này. Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực ở địa phương không chỉ là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương mà còn phải tự mình chủ động trong công việc, không thụ động, ỷ lại, né tránh mà phải chịu trách nhiệm về công việc này ở địa phương mình. Có nghĩa là, khi Bí thư tỉnh/thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực sẽ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh sẽ “nhìn vào” hoạt động của Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh mình, mà trước hết là với Bí thư tỉnh ủy trong vai trò Trưởng ban.
Về việc Bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực, không khỏi có ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu vậy có khó khăn gì không khi mà thời gian qua cũng đã có Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy vi phạm nghiêm trọng bị xử lý. Băn khoăn đó có thể hiểu được, nhưng cần nhận thấy rằng đó chỉ là cá biệt; đồng thời qua việc xử lý nghiêm minh Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh thời gian vừa qua chính là sự cảnh tỉnh, đòi hỏi người đứng đầu, lãnh đạo địa phương phải thật sự gương mẫu, trong sáng. Đặc biệt là khi đứng đầu Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực ở địa phương mình.
Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc Bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với mô hình người đứng đầu cấp ủy sẽ đứng đầu công tác PCTN, tiêu cực. Theo ông Túc, để tránh việc một số Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy vi phạm thời gian qua gây lo ngại đến Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo ở địa phương thì cần nâng cao giám sát quyền lực, trong đó, ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải huy động “sức mạnh giám sát” của nhân dân. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương, để thông suốt, tránh bị chi phối, chỉ đạo bởi “người này, người kia” và tình trạng “trên nóng dưới lạnh” sẽ dần được khắc phục.
Tới đây, cùng với 5 tỉnh/thành đã thành lập Ban Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực là Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa, thì toàn bộ các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương trong cả nước sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, do Bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm Trưởng ban. Ý chí, quyết tâm, kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban sẽ là những bài học quý giá cho các Ban Chỉ đạo địa phương trong tổ chức, thực hiện để cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” cùng những tiêu cực tồn tại được quét sạch; để những thành tựu của đất nước mà Đảng ta, nhân dân ta nỗ lực bền gan phấn đấu mới có được sẽ không bị hủy hoại bởi bất cứ cá nhân thoái hóa, biến chất nào, kể cả đó có là những nhóm lợi ích rắp tâm cấu kết bòn rút của cải của đất nước.