Nhóm nữ sinh lột đồ, hành hung bạn tại trường THCS Phù Ủng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội “Cố ý gây thương tích” nếu nạn nhân có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.
Nữ sinh H.Y được điều trị tại bệnh viện sau khi bị hành hung dã man (Ảnh: TTXVN).
Nhóm nữ sinh lột đồ, hành hung dã man bạn cùng lớp tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội “Cố ý gây thương tích” nếu nạn nhân có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.
Có thể chịu mức phạt tù lên tới 10 năm
Trước đó, như VietnamPlus đã đưa tin, ngày 22/3, em Nguyễn Thị H.Y, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Phù Ủng, đã bị nhóm nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng.
Không dừng lại ở đó, nhóm nữ sinh này còn lột quần áo của em và liên tiếp đấm đá vào vùng mặt. Điều đáng nói là sự việc xảy ra ngay trên lớp học và diễn ra trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và giáo viên. Nhận định về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi của nhóm học sinh xông vào đánh em Y. là vô cùng tàn bạo, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Người dân tại Ân Thi, Hưng Yên bức xúc vì hành vi hành hung cháu H.Y (Ảnh: PV/Vietnam+).
Theo ông Cường, nhóm hành hung đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có dấu hiệu của hai tội: "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (điều 134, Bộ Luật Hình sự ); "Làm nhục người khác" (điều 155 Bộ Luật hình sự). Trong trường hợp này, cần xác minh làm rõ ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh của các em học sinh đã đánh Y. để xem xét phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cũng đồng tình với quan điểm trên, đồng thời phân tích thêm: “Tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Xét theo căn cứ này, "Làm nhục người khác" không nằm trong nhóm tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do đó nhóm hành hung bạn có thể sẽ không bị xử lý hình sự về hành vi này.”
Lớp học của cháu H.Y - nơi sự việc đau lòng diễn ra (Ảnh: PV/Vietnam+).
Tuy nhiên, 5 học sinh trường Trung học cơ sở Phù Ủng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho các tội: "Cố ý gây thương tích," " Có tổ chức" và "Có tính chất côn đồ" theo quy định của các mục e, h, m điều 134, Bộ Luật hình sự, nếu nạn nhân Y. có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.
Mức hình phạt đối với nhóm học sinh đó được quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:
"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này."
Giáo viên: Vi phạm đạo đức nhà giáo và luật công chức
Bàn về việc nhiều giáo viên của trường Trung học cơ sở Phù Ủng đã bao che và không có hình thức xử lý hợp lý, ông Thanh cho rằng: ''Bản thân các giáo viên này đã vi phạm đạo đức nhà giáo được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.''
Cụ thể tại Điều 5 quy định về Lối sống, tác phong của nhà giáo ghi rõ: "Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật."
Những giáo viên nếu vi phạm đạo đức nhà giáo có thể bị xử kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức hoặc Luật viên chức.
Cần sớm vá lỗ hổng pháp lý
Liên quan đến vụ việc một nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn cùng lớp lột hết quần áo, đánh đập dã man rồi quay lại clip tại huyện Ân Thi, Hưng Yên, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) nhận định: Sự việc này đã cho thấy đang có một lỗ hổng rất lớn trong kiến thức xã hội cũng như kiến thức pháp lý trong các em học sinh.
“Qua kinh nghiệm nhiều năm đi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho học sinh, đặc biệt là học sinh Trung học cơ sở, tôi thấy lỗ hổng này xuất hiện khá phổ biến,” Luật sư Thanh khẳng định.
Thực tế, theo luật sư, trong các buổi tuyên truyền pháp luật trước đó, nhóm của ông đã rất nhiều lần đưa ra các tình huống tương tự với trường hợp vừa xảy ra tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng cho các em tham khảo.
“Chúng tôi cũng phân tích rõ cho các em hiểu rằng việc hành hung, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật và có thể sẽ phải ‘đi tù.’ Tuy nhiên đã số học sinh đều rất bất ngờ vì điều đó. Bản thân các em không ý thức được rằng đó là hành vi phạm pháp,” Luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) nhận định: Sự việc tại Hưng Yên cho thấy một thực trạng hết sức đáng buồn là hiểu biết về pháp luật của giới trẻ hiện nay vẫn còn quá hạn chế. Cả nạn nhân lẫn nhóm hành hung đều còn đang trong độ tuổi tới trường, nhận thức chưa đầy đủ. Cộng thêm với việc giai đoạn này, các em luôn có xu hướng nổi loạn, mất phương hướng và thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn nên sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Mẹ nạn nhân H.Y khóc khi kể về con gái (Ảnh: PV/Vietnam+).
“Đến người lớn còn thiếu hiểu biết pháp luật chứ chưa nói gì tới các em học sinh. Theo tôi, điều quan trọng nhất là cần phải có sự phối hợp giáo dục chặt chẽ hơn nữa từ cả nhà trường và gia đình để các em không phạm sai lầm,” Luật sư Trương Anh Tú bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Thanh nhấn mạnh vào sự cần thiết phải thay đổi và bổ sung phương pháp giáo dục hiện nay, đặc biệt ở bộ môn giáo dục công dân.
“Cần phải tăng cường hơn nữa các giờ học kỹ năng sống, các buổi trò chuyện về kiến thức pháp luật để học sinh có tư duy cơ bản về những việc được và không được phép làm. Theo tôi, đây cũng là cách tốt nhất để hạn chế được những sự việc đau lòng như đã xảy ra ở Hưng Yên,” luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh.