Cuối năm, trong ánh nắng gay gắt của đất trời miền Trung, ngư dân Phan Rí Cửa hối hả chuẩn bị khô cá chỉ vàng phục vụ nhu cầu Tết.
Là một trong những làng biển lâu đời nhất vùng Nam Trung bộ, nghề làm khô cá chỉ vàng của ngư dân Phan Rí Cửa (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã có từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, điểm độc đáo của khô cá chỉ vàng Phan Rí Cửa là ngư dân sẽ để nguyên con cá chỉ vàng phơi thay vì mổ xẻ đôi cá, tẩm ướp gia vị như nhiều địa phương khác.
Những ngày này, dọc tuyến đường ven biển dài chừng 3 cây số, từ khu vực cửa sông Luỹ chạy men theo biển là hàng trăm giàn phơi cá chỉ vàng của ngư dân. Thời tiết nắng nóng cộng thêm gió biển càng khiến khô cá thêm dẻo dai, đậm đà. Anh Nguyễn Văn Phiên, 38 tuổi, một người làm nghề khô cá chỉ vàng cho biết cứ hơn 2 ký cá tươi sẽ cho ra một ký sản phẩm cá khô. Nếu thời tiết nắng nóng như hiện nay, ngư dân thường mất 2 ngày để hoàn thành việc phơi cá. “Tôi mua cá ở phía bến cảng ven sông Luỹ bên kia, sau đó đem về sơ chế, rửa sạch rồi cho vào lò hấp chừng hơn một giờ đồng hồ trước khi phơi. Cá ở đây phơi theo mùa. Dịp cuối năm ngư dân lưới được nhiều cá chỉ vàng nên mình phơi cá chỉ vàng. Qua năm tới mùa cá trích, cá nục thì mình sẽ phơi cá nục, cá trích. Hầu hết khô chỉ vàng ở đây đều được đem vào trong Phan Thiết, TPHCM bán cho khách. Nhiều vựa họ còn liên hệ với cả siêu thị để bán khô cá chỉ nữa”, anh Phiên kể.
Theo quan sát của chúng tôi, những con cá chỉ làm khô được ngư dân chọn lựa khá cẩn thận. Cá sau khi rửa và hấp nhưng hầu như còn nguyên vẹn, không trầy da, vỡ bụng được đặt cẩn thận lên giàn phơi bằng những cây tre đan kín. Do đã được hấp chín nên khô cá chỉ có vị thơm ngon, dẻo mềm. Ngoài khô cá chỉ vàng, ngư dân ở Phan Rí Cửa còn làm khô cá chỉ một nắng. Đây là sản phẩm đặc trưng, cần quy trình khó hơn ở giai đoạn bảo quản vì cá có thể hư nếu để lâu ở điều kiện bình thường. Ngược lại, khô cá chỉ vàng có thể trữ được tới vài tháng trong điều kiện mát mẻ, giúp nó được bán đi ở nhiều thị trường một cách dễ dàng.