Những ngày qua, tại các làng cá xã Duy Hải (Duy Xuyên) và xã Bình Minh, (Thăng Bình) tỉnh Quảng Nam. Mỗi ngày nơi đây các chủ xưởng đã hấp hàng chục tấn cá để cung ứng cho địa phương, các tỉnh bạn và để xuất khẩu.
Quảng Nam vào mùa cá hấp.
Mới mờ sáng, vào đầu làng cá Thuận An, Duy Hải, Tân An, Bình Minh của các huyện nói trên mùi thơm cá hấp đã choán hết không gian. Không khí lao động diễn ra rất khẩn trương, mỗi người mỗi việc, nhịp nhàng để cho ra những mẻ cá hấp thơm ngon phục vụ cho khác hàng gần, xa. Nhiều tàu, thuyền cập bến cùng với đó rất nhiều sọt cá cơm, cá nục tươi rói được nhiều nhân công khẩn trương đưa vào các cơ sở sơ chế cho vào lò hấp để giữ chất lượng cá tươi ngon.
Tại nhà anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Thuận An, tiếp chúng tôi trong lúc đang vớt cá trong lò hấp ra ngoài vỉ để phơi, anh Tiến cho biết: “Tôi làm nghề hấp cá đã được hơn 3 năm rồi. Làm nghề gì cũng có cái vất vả của nó. Với nghề hấp cá không chỉ cần tỉ mỉ, sạch sẽ, chịu cái nóng trong lò mà còn phải chịu cái nắng ngoài trời để phơi cá. Đặc biệt phải hết sức tập trung. Vì để những mẻ cá hấp đạt chất lượng tốt, ngoài cá tươi, lò hấp lửa phải đều và thi thoảng phải bỏ muối vào cá với một mức độ nhất định thì lúc ra lò mới có mẻ cá mới đạt chất lượng và phơi khô mới để cá được lâu”.
Còn chủ lò hấp cá ở làng cá Tân An, xã Bình Minh, chị Hồ Thị Liên (36 tuổi) cho hay: “Tôi mở lò hấp cá hơn 6 năm, mỗi ngày tôi thu mua hàng chục tấn cá nục. Nhưng vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Năm nay, số lượng thu mua cá nục, cá cơm không được nhiều nhưng cũng đủ để sản xuất. Cứ 1 tấn cá nục tươi thì cho ra gần 3 tạ cá nục khô, giá cá nục khoảng 12 nghìn đồng/1kg. Hiện nay, lò hấp cá tôi trung bình mỗi ngày có khoảng 10 nhân công, mỗi nhân công làm tôi trả trên 200.000 đồng/ngày. Với tôi, sau khi trừ chi phí đầu tư, tiền nhân công, mỗi vụ hấp cá thu về lãi ròng vài trăm triệu đồng”.
Nghề hấp cá không chỉ chịu cái nóng trong lò mà còn phải chịu cái nắng ngoài trời để phơi cá. Bởi vì sau khi hấp, cá ra lò được đưa vào các vỉ, lồng, sạp để đem ra ngoài trời phơi khô. Những nơi được chọn làm chỗ phơi cá thường là các bãi biển, các tuyến đường và cả sân vườn. Sau đó đóng cọc làm giàn để phơi để đưa các vỉ, sạp cá cá lên phơi.
Mỗi cơ sở hấp ca thu hút 30-50 lao động. Cứ thế họ phơi mình dưới cái nắng nóng bỏng rát mặt của miền Trung để tập trung phơi và thu cá về. Bà Dương thị Thu (43 tuổi), trú xã Bình Minh là nhân công của lò hấp cá cho biết: “Nghề hấp cá vào vụ từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Chỉ khi nào nắng nóng thì mới đỏ lửa lò. Cá sau đó được mang phơi, lật liên tục trong khoảng 3 ngày cho khô, rồi đóng gói cung ứng cho khách hàng. Tôi và mấy chị em khác ở xã Bình Minh đã được tạo công ăn việc làm nhờ những xưởng cá hấp này. Nhớ đó, tôi có nguồn thu nhập để lo cho gia đình mình”.
Được biết, mỗi ngày vào vụ mùa hấp cá, làng cá Thuận An và Tân An xuất hàng chục tấn cá khô đi các tỉnh miên trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, còn xuất khẩu đi các thi trường nước ngoài như Trung Quốc và Lào... Đây cũng là nghề truyền thống lâu đời của người dân các làng ven biển miền Trung.