Những ca nhiễm Covid-19 đã xuất hiện trở lại trong cộng đồng, Thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu phải thực hiện giãn cách xã hội. Đất nước bắt đầu vào một cuộc chiến đấu mới, đầy gian nan và thử thách. Trong bối cảnh ấy, một chuyến bay vẫn lên đường. Các bác sĩ và phi hành đoàn biết trước việc những hành khách được đón trở về trên chuyến bay ấy là những người đã mắc virus SARS-CoV-2. Đất nước biết trước việc đón mấy trăm công dân trở về là kèm theo bao nhiêu hệ lụy, cả tốn kém vật chất và đưa mầm bệnh vào.
Nhưng sáng 28/7, chuyến bay đặc biệt ấy vẫn lên đường đi Guinea Xích đạo. 219 hành khách sẽ được đón trở về, trong đó 120 người là bệnh nhân Covid-19. Không có ai bị bỏ lại phía sau, trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh ở quy mô toàn cầu này. Ở đâu có công dân Việt Nam, ở đó Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ. Chuyến bay sáng 28/7 là minh chứng rõ ràng cho trách nhiệm của Chính phủ đối với công dân của mình. Trong thời buổi toàn cầu hóa, người Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới làm ăn, sinh sống. Nhưng khi gặp khó khăn thì Tổ quốc là nơi để trở về, như những người con tha hương khi bị ốm thì trở về với Mẹ. Càng trong khó khăn, trong hiểm nguy rình rập, những cuộc đón công dân trở về từ hồi đầu dịch đến giờ càng sáng ngời chân lý, Tổ quốc luôn luôn sẵn lòng dang tay đón những người con trở về, “kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Sáng 28/7, tôi nhìn thấy hình ảnh các bác sĩ trước giờ bay cười rất rạng rỡ. Tổ y tế 4 người gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương trên chuyến bay trở về sẽ ngồi chung với 120 bệnh nhân Covid-19, hành trình kéo dài 13 tiếng từ Bata về Hà Nội. Xung quanh họ toàn là bệnh nhân, không gian chật hẹp, nồng độ virus đậm đặc. Nguy cơ lây nhiễm sang tổ y tế và phi hành đoàn là rất cao. Nhưng không ai chùn bước. Tổ y tế chụp ảnh trước giờ lên máy bay vẫn cười tươi.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương -Trưởng nhóm y tế trên chuyến bay đặc biệt, thậm chí còn lường trước tình huống xấu: “Anh em đã xác định nguy cơ mắc bệnh cao, khó tránh khỏi việc nhiễm Covid-19, phải chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất này, đồng thời lên các phương án đảm bảo an toàn cho bản thân và người bệnh”.
Tất nhiên, đã có nhiều phương án được đặt ra để đảm bảo an toàn cho 99 hành khách chưa mang mầm bệnh còn lại và 2 tổ bay, trong đó có việc lắp đặt một phòng áp lực dương tạm thời trên máy bay.
Nhưng dù thế nào, bác sĩ thì cũng là con người. Những người có mặt trong chuyến bay đi đón công dân trở về, đặc biệt là các bác sĩ, họ xứng đáng như là những anh hùng!
Trước khi có dịch bệnh, hai chữ đồng bào có khi còn xa xôi, hai chữ Tổ quốc có khi còn trừu tượng. Thì sau một biến cố khủng khiếp, Tổ quốc hiểu đơn giản là nơi để trở về, đồng bào là xẻ chia, đùm bọc.
Hàng chục nghìn đồng bào làm ăn, sinh sống, học tập ở bên ngoài Tổ quốc đã trở về đất nước trong những ngày đại dịch này. Bắt đầu từ đầu tháng 2 đã có những chuyến phi cơ đón công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về. Chính phủ không bỏ lại công dân của mình - những chuyến bay ấy là thông điệp của đất nước đối với những người Việt Nam xa quê hương.
Đóng cửa biên giới thì dễ quá. Nhưng chúng ta đã không làm như thế. Đất nước không chối bỏ những công dân của mình. Không có ai nếu có nhu cầu về mà bị bỏ lại. 219 công dân đang làm việc tại Guinea Xích đạo, trong đó có tới 120 người đã mắc virus SARS-CoV-2 vẫn được đón trở về trong tình hình việc chống dịch trong nước cũng đang căng thẳng. Thêm một bệnh nhân trở về là các bác sĩ phải làm việc nhiều hơn, là bệnh viện quá tải hơn, là kèm theo nhiều chi phí khác. Nhưng chúng ta vẫn vừa căng mình chống dịch lây lan trong cộng đồng vừa đón công dân đã nhiễm bệnh trở về. Các bác sĩ và phi hành đoàn vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường, trên một chuyến bay mà đường về là 120 người đã mắc virus. Ngay cả trong trường hợp mà chúng ta đang cầu nguyện là chuyến bay ấy bình an, tất cả mọi người đều an toàn trở về, thì bác sĩ, phi công cũng phải cách ly gia đình một thời gian. Biết trước tất cả những khó khăn phía trước, họ vẫn lên đường.
Hôm qua, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên được chi viện về Đà Nẵng. Hôm qua, có những bác sĩ lên đường đi đón hơn 100 người Việt Nam đã nhiễm virus từ Guinea Xích đạo trở về. Hôm qua, những bức ảnh chụp họ trước khi lên đường với nụ cười rạng rỡ. Chưa bao giờ, lời bài hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai” lại phù hợp đến thế. Cả nước bước vào một cuộc chiến đấu mới, lại rất cần đoàn kết, đồng lòng, nâng cao trách nhiệm và ý thức công dân.
Không có ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến đấu này, là người Việt Nam ở bất kỳ đâu mà gặp khó khăn thì Chính phủ có trách nhiệm bảo hộ công dân của mình. Tổ quốc là nơi để trở về, dù cuộc chiến đấu đang rất gian nan phía trước.