Báo cáo "Tác động của bão Yagi lên nền kinh tế Việt Nam" công bố đầu tháng 10 của FiinGroup đánh giá, cơn bão Yagi đã đặt ra những thách thức đáng kể cho ngành bảo hiểm. Ước tính, các yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho thiệt hại về người và tài sản do bão đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng và vẫn đang tăng lên.
Rủi ro lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm, theo FiinGroup, chủ yếu đến từ phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ do bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu khi tăng cả về tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng. Cơn bão Yagi sẽ làm tăng đáng kể chi phí yêu cầu bồi thường bảo hiểm đối với các công ty, từ đó, dẫn đến các tác động tiêu cực tới các công ty tái bảo hiểm trong nước, đặc biệt là Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), công ty tái bảo hiểm lớn nhất cả nước.
Theo báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đến ngày 7/10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão Yagi và lũ lụt gây ra tạm thời khoảng 11.627 tỷ đồng - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính 19,8 tỷ đồng. Trên lĩnh vực phi nhân thọ đã có khoảng 13.850 thông tin thiệt hại, bao gồm bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 11.607 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường là 108,3 tỷ đồng.
Dù chịu những tác động nghiêm trọng từ cơn bão này, FiinGroup dự báo, trong tương lai, một số doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng được hưởng lợi từ thảm họa thiên nhiên này. Sau những thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng, vật chất cũng như về con người và sức khỏe mà bão Yagi gây ra, các công ty sản xuất, kinh doanh và cả người dân cũng sẽ có ý thức cao hơn về việc vai trò của bảo hiểm đối với những rủi ro không mong muốn.
Từ đó, nhu cầu đối với mua bảo hiểm để làm “lá chắn” bảo vệ về mặt kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, với lợi thế về mặt tài chính và quản lý rủi ro.
Điều tích cực là ngành bảo hiểm đã có sự hồi phục sau bốn quý liên tục đi lùi so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2024 ước đạt 56.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung chín tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau khoảng một năm liên tiếp ghi nhận mức sụt giảm, từ quý 2/2023 tới quý 2/2024, doanh thu bảo hiểm đã có sự hồi phục, với mức tăng trưởng 6,9% của quý 3/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Việc thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 12,9%. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ do thị trường vẫn đang sụt giảm niềm tin.
Lượng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.200 tỷ đồng, tăng 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,4%. Nhìn chung, các lĩnh vực bảo hiểm đều có sự phục hồi so với cùng kỳ năm trước.