Nhu cầu toàn cầu về dầu, khí đốt tự nhiên và than đá dự kiến đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới hàng năm được công bố hôm 24/10 rằng, để ngăn chặn khả năng nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng vọt, thế giới cần thêm các nguồn năng lượng sạch.
IEA kỳ vọng số lượng ô tô điện lưu thông trên toàn cầu sẽ tăng gần 10 lần vào cuối thập kỷ và năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa tổng năng lượng toàn cầu, từ mức 30% hiện nay.
Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc cũng sẽ làm giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. IEA cho biết, tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa thập kỷ. Nước này cũng đang trở thành “cường quốc năng lượng sạch”, chiếm hơn một nửa doanh số xe điện toàn thế giới trong năm ngoái.
“Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và không thể ngăn cản. Vấn đề không phải là “nếu” mà là “bao lâu” và càng sớm thì càng tốt cho tất cả chúng ta” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo của IEA thách thức lời kêu gọi của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - nhóm các quốc gia sản xuất dầu lớn trên thế giới - về hàng nghìn tỷ USD đầu tư mới vào lĩnh vực này từ nay đến năm 2045 nhằm ngăn chặn giá năng lượng tăng vọt.
Theo IEA: “Sự kết thúc của kỷ nguyên tăng trưởng đối với nhiên liệu hóa thạch không có nghĩa là chấm dứt đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng nó làm nhẹ đi lý do căn bản cho bất kỳ sự gia tăng chi tiêu nào”.
Trong ngắn hạn, giá dầu có thể bị đẩy lên cao hơn do xung đột Hamas -Israel. Dầu thô Brent tăng gần 7% kể từ khi xung đột bắt đầu.
Tuy nhiên, bất chấp sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo và những thay đổi lâu dài trong mô hình tiêu dùng ở các quốc gia như Trung Quốc, IEA vẫn cảnh báo rằng, cần phải làm nhiều hơn nữa nếu thế giới có cơ hội hạn chế nhu cầu năng lượng toàn cầu liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.