Kinh tế

Nhu cầu nhân lực số tăng mạnh

Lê Bảo 25/02/2025 10:09

Theo Báo cáo Lương và Thị trường lao động 2025 của Navigos Group (đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam), nhu cầu nhân lực trong một số ngành đang tăng cao nhưng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao.

tren(2).jpg
Đào tạo nhân lực AI tại Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech. Ảnh: L.H.

Ưu tiên tuyển dụng nhân lực am hiểu chuyên môn sâu

Khảo sát từ Navigos cho thấy, tiếp đà tuyển dụng nhân sự của năm 2024, sang năm 2025, hơn 81% doanh nghiệp (DN) được hỏi có kế hoạch tuyển dụng thêm và ưu tiên tuyển dụng nhân sự có từ 1-5 năm kinh nghiệm. Điều này cho thấy DN ưu tiên tuyển dụng đội ngũ nhân sự có thể cống hiến lâu dài và phát triển công việc lên các vị trí cao hơn. Đồng thời, DN ưu tiên nhu cầu tuyển dụng những ứng viên am hiểu về lĩnh vực, chuyên môn nhưng vẫn giữ được sự linh hoạt trong công việc.

Đáng chú ý, theo Navigos, bước vào giai đoạn 2025-2030 thị trường lao động Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ AI trong quá trình tìm kiếm việc làm và xu hướng làm việc linh hoạt; mô hình làm việc linh hoạt, đặc biệt là làm việc 4 ngày/tuần đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm nâng cao năng suất và cân bằng công việc - cuộc sống. Nhiều DN Việt Nam đang xem xét áp dụng mô hình này để thu hút nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, các vị trí như khoa học dữ liệu, nghiên cứu AI, kỹ sư học máy và chuyên viên nghiên cứu dữ liệu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, ngành Logistics tại Việt Nam cũng đang thiếu hụt nhân sự, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hải và kho bãi, trong khi công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh nhờ chính sách thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, Việt Nam đang có cơ hội trở thành trung tâm nhân sự chip bán dẫn khi các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia gia tăng sự hiện diện tại đây.

Thực tế tại hội nghị “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu lên thực trạng về nguồn nhân lực AI tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin; trong đó, có khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản. Năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.

Theo ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Nvidia Việt Nam, Việt Nam đang khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ, trong nhiều công đoạn, như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể, khi AI đi vào các chuyên ngành, như sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông… Việt Nam lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI. Do đó, Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm ngàn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.

Làm gì để nắm bắt cơ hội?

Nhận định từ Navigos cũng cho thấy, AI đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực tuyển dụng và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi các DN nhận thấy rõ lợi ích của AI trong việc nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Đặc biệt, có nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của kinh tế số và chuyển đổi số. Cơ hội việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, sản xuất và logistics.

Để tận dụng tối đa những cơ hội này, theo các chuyên gia từ Navigos Group cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, DN và các cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư vào kỹ năng chuyên môn và công nghệ sẽ là chìa khóa để Việt Nam khẳng định vị thế trong giai đoạn phát triển mới.

Ngoài ra, để thích nghi với sự thay đổi của thị trường, đối với DN, Navigos Group khuyến nghị cần tập trung nâng cao kỹ năng, đầu tư vào công cụ AI, thúc đẩy DE&I nhằm xây dựng môi trường làm việc tích cực và đa dạng là chiến lược quản trị giúp DN phát triển bền vững…

Từ kinh nghiệm của Nvidia, ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ, để đào tạo số lượng lớn nhân lực có chất lượng, Việt Nam cần số lượng giảng viên có chất lượng cao đặc biệt, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của DN lớn như Viettel, FPT, VNPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên.

Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech cũng cho rằng, để có được nguồn nhân lực AI trong tương lai Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo trong đó, việc đào tạo cần theo hướng mở đào tạo từ sớm từ xa. Bởi thực tế trong 4 năm đại học, các sinh viên chỉ có thời gian ngắn để thực sự học kiến thức về công nghệ lập trình để đi làm. Việc trong một thời gian ngắn các sinh viên có thể nắm vững các kiến thức công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm là rất khó.

Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, trước khi vào đại học, các sinh viên đã có thể thành thạo một số công nghệ lập trình vì đã được dạy từ chương trình phổ thông. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo AI từ cấp tiểu học trở đi. “Để việc triển khai dạy AI đạt hiệu quả tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam cần nhập khẩu những chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài về đào tạo AI. Đây có thể được coi là bước đi tắt để rút ngắn khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực AI hiện nay” - ông Chu Tuấn Anh đề xuất.

Đối với người lao động, để chuẩn bị tốt và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới cần nâng cao kỹ năng, tập trung các lĩnh vực liên quan đến AI, dữ liệu và công nghệ số; chú trọng ngoại ngữ; thích nghi với mô hình làm việc mới với khả năng làm việc độc lập, quản lý thời gian và giao tiếp trực tuyến sẽ là yếu tố quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhu cầu nhân lực số tăng mạnh