Kinh tế

Nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh

T.Hằng 02/05/2024 20:00

Những ngày cuối tháng 4, sản lượng tiêu thụ điện trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện dự báo còn tăng cao hơn nữa vào tháng 5, 6, 7.

anhbaitren.jpg
Kiểm tra thiết bị lưới điện để đảm bảo vận hành an toàn. Ảnh: EVN.

Tiêu thụ điện tăng kỷ lục

Nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, cả công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày (A ngày) trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia.

Cụ thể, vào lúc 13 giờ 30 ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4 đã lên tới 993 triệu kWh.

Riêng đối với khu vực miền Bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng đầu tiên nên tiêu thụ điện dù tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trước đây. Như vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc khả năng cao còn tiếp tục tăng trong những đợt nóng sắp tới.

Mặc dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao nhưng cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, trong tuần qua, việc huy động các nguồn điện được thực hiện linh hoạt các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để giữ mực nước hồ tối đa, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm. Sản lượng khai thác trung bình ngày trong tuần đạt khoảng 174,6 triệu kWh.

Đối với nguồn nhiệt điện than, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 556,9 triệu kWh (cao hơn 36,1 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4). Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than. Tuy nhiên tổng sản lượng thiếu hụt do sự cố và suy giảm công suất trong tuần lần lượt là 318,25 triệu kWh và 95,98 triệu kWh.

Nguồn nhiệt điện khí huy động trung bình ngày khoảng 91,1 triệu kWh (cao hơn 13,1 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4); huy động các tổ máy Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 4, BOT Phú Mỹ 3 sử dụng khí LNG để tăng khả dụng nguồn và hỗ trợ tiết kiệm thủy điện miền Bắc khi phụ tải tăng cao do nắng nóng dịp cuối tuần.

Sử dụng điện hợp lý vào giờ cao điểm

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhận định, 2024 là năm tương đối phát triển mạnh mẽ nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia, cũng như miền Bắc. Do đó, kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, cao nhất kể từ năm 2018.

Ông Trung cũng đưa ra dự báo, tháng 5, 6, 7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%. “Mỗi năm, chúng ta cần thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc. Đây cũng là thách thức đối với ngành điện”- ông Trung nói.

Để chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: Chỉ đạo lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật, các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện.

Huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024; Tăng cường các giải pháp vận hành lưới điện an toàn tin cậy, chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị dự phòng xử lý sự cố nếu có. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện khu vực miền Bắc, EVN chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực có thể sẽ huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong các tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, EVN sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện như hoàn thành dự án nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Ialy mở rộng vào cuối năm 2024, dự án NMTĐ Hoà Bình mở rộng (năm 2025), NMNĐ Quảng Trạch I (năm 2026). Khởi công cuối năm 2024 các dự án NMTĐ Trị An mở rộng, TĐ tích năng Bác Ái...

Tập trung mọi nguồn lực để thi công Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ và các công trình lưới điện đồng bộ nguồn điện và cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn...

Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024, EVN khuyến cáo người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19h00 đến 23h00). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chi bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26 - 27 độ C trở lên và có thể sử dụng kết hợp với quạt; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm

Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần có hiệu lực từ 15/5/2024

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024. Quyết định 05 nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO