Thời điểm này, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm 2022. Vì thế, nguồn vốn đủ và khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn là điều mà các doanh nghiệp mong mỏi.
Khát vốn, khát cả lao động
Theo ghi nhận, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP cho phép địa phương xác định cấp độ dịch bệnh cùng việc nới lỏng nhiều hoạt động kinh doanh theo cấp độ, đã giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn với các kế hoạch quay trở lại sản xuất, kinh doanh.
Giới chuyên gia nhận định, các DN hoạt động trở lại nhiều hơn, sẽ khiến nhu cầu vốn lưu động để phục vụ đơn hàng cuối năm tăng trở lại ở nhiều ngành nghề.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ, với tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, có những tuyến tăng gấp 10 lần như thời gian vừa qua, kéo theo doanh thu của DN logistics đặc biệt là DN vận tải quốc tế tăng theo, nhiều DN đến thời điểm hiện tại doanh thu đã vượt 200 tỷ đồng.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với lợi nhuận của DN tăng, ngược lại, áp lực về dòng tiền của DN lớn hơn rất nhiều. Ông Khoa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi…
Ông Chúc Vệ Hoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lợi Hào cho biết, số lao động của Lợi Hào đã giảm 50%. “Trở lại giai đoạn bình thường mới, DN không chỉ thiếu hụt nhân công, mà nguồn vốn cũng cạn kiệt, dự tính thiếu hơn 1.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động” – ông Hoa nói.
Còn ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng cho hay, khó khăn do dịch bệnh, sản xuất kinh doanh, hàng hoá lưu thông ngưng trệ khiến nhu cầu vốn lưu động của DN tăng mạnh. Giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nếu muốn duy trì sản lượng sản xuất, nhu cầu vốn tăng gấp đôi.
Nhiều DN cũng cho biết, dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội đã khiến nguồn thu của các DN sụt giảm mạnh, dòng vốn lưu động cũng đã cạn. Nên ngay khi mở cửa trở lại, DN đã có đơn hàng sản xuất nhưng rất cần nguồn vốn để mua nguyên liệu đầu vào cũng như trả lương cho nhân công.
Song, vấn đề tiếp cận nguồn tín dụng luôn là “bài toán” khó.
Ngân hàng loay hoay với bài toán khó
Các DN cho biết, hiện nay để vay được vốn ngân hàng, DN phải chờ đợi rất lâu do thủ tục phức tạp, thậm chí sau thời gian dài chờ đợi DN cũng không vay được. Vì vậy cộng đồng DN kiến nghị, khi xem xét cho DN vay nợ, ngân hàng không nên tính các khoản nợ cũ đang được hoãn, giãn nợ thành nợ xấu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, DN đã trải qua nhiều khó khăn, cần được tiếp sức ở nhiều mặt, từ nguồn vốn đến chính sách thuế, phí. Song DN muốn tiếp cận được nguồn lực cần phải để cho ngân hàng thấy được hướng đi kế tiếp ra sao, phương án trả nợ như thế nào.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nền kinh tế đang vận hành theo thị trường, các ngân hàng cũng phải cạnh tranh nhau. Nếu DN có dự án tốt, quản trị dòng tiền hiệu quả, nhưng ngân hàng đối tác không đồng hành, không hỗ trợ, DN có thể chuyển sang ngân hàng khác, đây là sự cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh.
Với các kiến nghị khó khăn về thủ tục và DN muốn vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo, hoặc mong muốn thế chấp quyền thu nợ…, ông Tú khẳng định, tài sản đảm bảo không phải quy định bắt buộc cho mọi khoản vay. Các DN có thể vay tín chấp (không cần tài sản đảm bảo) nếu đáp ứng các điều kiện về quản lý dòng tiền, dự án tốt, minh bạch…
Theo ông Tú, Quốc hội, Chính phủ đang tích cực bàn thảo các giải pháp tổng thể, trong đó có việc phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, tính toán liều lượng các chương trình hỗ trợ để phục hồi kinh tế.“Ngành ngân hàng sẵn sàng hưởng ứng chủ trương đúng đắn này, tuy nhiên, cũng cần tính toán kỹ để dòng vốn bơm đến đúng địa chỉ, tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến lâu dài”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.