Câu chuyện về người phụ nữ ở một vùng quê xứ Thanh tình nguyện gắn bó với người chồng thương binh và chăm sóc, nuôi nấng 3 đứa con chồng bằng cả tấm chân tình đã gây nhiều xúc động. Đó là bà Lê Thị Phương, người đã vượt qua những quy luật, định kiến để chứng minh rằng, mọi thứ chỉ là tương đối khi người ta sống với nhau bằng tình yêu thương …
Tôi về Giải Uấn (thuộc xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn) tìm bà - “người phụ nữ trong cổ tích” vào một ngày đầu tháng 3. Nghe tiếng động ngoài sân, người đàn ông vào tuổi ngũ tuần không còn tự đi lại được, ngồi trên chiếc giường cạnh của sổ nghển cổ ra chào khách.
Ông là Lê Hồng Cư - chồng bà Phương. “Anh ngồi chơi! Hôm nay cô con gái út ngoài Hà Nội về thăm, bà ấy đang đi đón, chắc cũng sắp về tới!”- ông Cư cười niềm nở. Trong lúc chờ bà Phương về, tôi đã bị cuốn vào câu chuyện của đời ông, một cuộc đời không ít nhọc nhằn.
Ông trải lòng: Như bao trai làng cùng lứa, khi tròn 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ 1978 - 1982. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên tôi bị sốt rét ác tính dẫn đến biến chứng bị liệt. Không thể tiếp tục phục vụ trong quân đội, năm 1986, tôi xuất ngũ về địa phương với thương tật 81%.
Qua sự mai mối của mẹ, ông Cư kết hôn với cô thôn nữ chịu thương chịu khó xã bên. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với ông nhưng không… Cưới nhau được 6 năm, bà sinh cho ông một mạch 3 đứa con, rồi mất trong một mùa dịch sốt xuất huyết.
Một mình trên cõi nhân gian với chiếc xe lăn định mệnh cùng 3 đứa con “trứng gà, trứng vịt”, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới 1 tuổi đang khóc lả trên tay vì khát sữa mẹ. Ông Cư vẫn chưa hình dung được, mình sẽ vượt qua chặng đường đầy khó khăn phía trước bằng cách nào. Nhìn chúng ngơ ngác tìm mẹ, lòng ông như có người đem muối hột chà xát.
Đứa con út suốt ngày quấy khóc phải bế khắp làng xin bú nhờ, thấy vậy gia đình bên ngoại xin thằng út về nuôi. Thương con đứt ruột nhưng cũng đành chấp nhận. Còn lại 3 bố con bữa cơm, bữa cháo trong sự đùm bọc của người thân, xóm giềng. Được ít lâu, mẹ ông cũng qua đời vì tuổi già, sức yếu. Giữa lúc cuộc sống dường như bế tắc của cha con ông thì bà xuất hiện như một phép nhiệm màu.
Ngày ấy, bà Phương đang công tác trên xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc (cách nhà ông Cư khoảng 50km) có nhiều người tơ tưởng.
“Đúng là cuộc đời này có duyên nợ cậu ạ! Trong một lần cùng bạn về quê chơi, nghe hoàn cảnh của bố con tôi, bà tò mò qua thăm rồi thương cảm. Lúc ra về, có điều gì đó dịu dàng, da diết như không nỡ rời xa trong đáy mắt của bà ấy. Nhưng rồi tôi cũng xua đi mọi ý nghĩ mới nhen lên trong đầu: Mình vừa mất vợ, người ta lại như thế, đời nào…
Rồi tuần sau nữa bà ấy lại về thăm với lỉnh kỉnh nào gạo, nào bánh, thương lắm. Biết tôi không dám mở lời, bà ấy đã chủ động ngỏ ý muốn về chăm sóc cho tôi và các con. Nghe xong, tôi lặng đi rất lâu, có lẽ nào mình đang mơ, có lẽ nào hạnh phúc lại mỉm cười với tôi lần nữa. Vậy là bà ấy bỏ qua tất cả, về chăm sóc cho gia đình tôi từ ngày ấy”- ông Cư run run nhớ lại.
Ngoài sân, nắng đứng bóng, bà Phương cùng cô con gái đã về đến đầu ngõ. Bà chào tôi bằng nụ cười hồn hậu. Ngồi đối diện với bà, tôi vẫn không sao lý giải hết, điều gì đã khiến một người phụ nữ bé nhỏ đến mong manh như bà lại có sức mạnh và lòng can đảm để có thể gạt bỏ tất cả, chịu đựng, hi sinh cả cuộc đời cho người chồng thương tật và những đứa con không phải do mình mang nặng đẻ đau.
Ông Cư nhìn vợ dịu dàng. Hơn hai mươi năm qua không lúc nào bà được thảnh thơi. Lúc các con còn nhỏ thì lo cái ăn, cái mặc, giờ chúng đã khôn lớn nhưng bà lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao lo cho các con yên bề gia thất.
Bà tâm sự: Thiên chức của người phụ nữ ai cũng mong muốn trong đời mình được một lần mang nặng đẻ đau. Nhưng nhìn cảnh 3 đứa con thơ dại, điều kiện lại vô cùng khó khăn, sau nhiều đêm thức trắng, trăn trở, bà quyết định toàn tâm, toàn ý lo cho chồng con. Để có quyết định đau đớn đó, bà đã phải gắng gượng rất nhiều, tự động viện mình, xem 3 đứa con của chồng như con đẻ.
Nhớ lại những tháng ngày khốn khó đã qua, bà Phương chia sẻ: Cùng là người lính với nhau nên giữa tôi và ông ấy có rất nhiều đồng cảm. Năm 1973, tôi đi lính phục vụ tại Trung đoàn an dưỡng 580 Quân khu Hữu Ngạn. Cuối năm 1976 xuất ngũ về công tác tại địa phương. Thời con gái cũng rất nhiều người theo đuổi nhưng do nhà neo người, bố mẹ lại già yếu nên bà chưa vội lập gia đình.
“Không biết có phải là số trời đã định trước, lúc tôi đang làm cán bộ trực văn phòng xã Châu Lộc có người mai mối tôi với ông Cư, họ nói rõ hoàn cảnh của ông ấy. Nhìn thấy cảnh ông ấy chống nạng lết từng bước, mấy đứa nhỏ lăn lóc dưới nền đất người lấm lem, còi cọc, xanh xao… tôi không thể cầm lòng. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh, làm tôi day dứt, phải làm điều gì đó cho bố con ông ấy. Và chính trong cái buổi chiều gặp gỡ định mệnh ấy, duyên số đã gắn kết chúng tôi đến tận bây giờ”.
Từ ngày bà Phương về làm vợ, làm mẹ, căn nhà cấp 4 đơn sơ luôn vang tiếng cười đùa của con trẻ, bát cơm của các con đã bớt độn khoai, độn sắn. Ngoài 3 sào ruộng, đồng lương thương binh ít ỏi không đủ trang trải, ban ngày bà ra đồng mót từng hạt thóc, chăm từng ngọn mồng tơi. Đêm xuống, bà lại cặm cụi nấu rượu đến 2-3h sáng.
Khổ nhất là những ngày trời đông giá rét, 4h sáng khi trời đang còn tối đen phải thức dậy đạp xe khoảng 15 km để nhập rượu, xong lại vội vã về lo cơm nước cho các con để chúng kịp đến trường, lo cho chồng, con xong bà lại tất tưởi gánh rau ra chợ đầu làng bán. Những lúc trái gió trở trời người ông Cư đau nhức bà phải thức thâu đêm xoa bóp, những sinh hoạt hàng ngày của chồng đều phải nhờ bà phụ giúp.
Ngồi bên cạnh bà Phương, ông Cư xúc động: “Nếu không có bà ấy, không biết cuộc sống của bố con tôi giờ ra sao. Lúc bà ấy quyết định về với bố con chúng tôi, thương lắm. Lòng tôi ngổn ngang bao điều. Thời gian trôi qua, các con tôi lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người mẹ thứ hai. Nhờ bà ấy, thằng cả đã tốt nghiệp khoa Tin học, Trường Đại học Hồng Đức, đứa con gái thứ 2 học Trường Cao đẳng Du lịch giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định. Thằng út giờ đã có gia đình và đang làm công nhân. Đó là món quà vô cùng ý nghĩa, bà ấy hi sinh lo cho chồng, cho con!”- giọng ông Cư bùi ngùi.
“Niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là 3 đứa con xem tôi như mẹ đẻ. Chúng giờ đã lớn nhưng thường xuyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Mỗi dịp chúng được nghỉ về quê thăm bố mẹ lại xà vào lòng tôi nũng nịu như những ngày còn nhỏ. Tôi luôn quan niệm, con nào cũng là con, miễn sao mình nuôi dạy, yêu thương chúng hết lòng. Tôi không ân hận về quyết định không sinh con, ông trời đã cho tôi cả một gia đình mà nhiều người mơ ước”- bà Phương cười hiền lành, gương mặt ánh lên vẻ hạnh phúc.